Dùng thuốc trị bệnh viêm xương khớp mùa lạnh và những lưu ý đặc biệt

23-12-2018 09:35 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Mùa đông thời tiết lạnh ẩm là nguyên nhân làm tái phát các bệnh viêm xương khớp. Việc hiểu được nguyên nhân gây đau nhức xương khớp khi trời lạnh cùng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.

Vì sao bệnh nhân đau khớp hơn khi trời lạnh?

Viêm xương khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp, là một dạng viêm khớp, ảnh hưởng chủ yếu ở người lớn tuổi, gây ra bởi sự thoái hóa mạn tính của sụn và màng hoạt dịch của các khớp, dẫn đến đau và cứng khớp.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, chính sự thay đổi áp suất khí quyển khi trời lạnh là tác nhân làm đau nhức xương khớp. Các mô bao quanh khớp giống như quả bong bóng, khi áp suất khí quyển bên ngoài cao, nó tác động một lực đẩy lên cơ thể sẽ giữ cho các mô quanh khớp không bị giãn nở. Nhưng khi áp suất khí quyển giảm, lực đẩy lên cơ thể giảm làm các mô quanh khớp giãn và tạo áp lực lên các khớp. Sự thay đổi này là rất nhỏ và hầu như bệnh nhân không chú ý đến. Hơn nữa, khi bệnh nhân có bệnh khớp mạn tính, lớp sụn khớp bị bào mòn trơ ra đầu xương lồi lõm, các dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên sẽ cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn.

Ngoài ra, khi thời tiết trở lạnh, các mạch máu co lại làm cho sự lưu thông máu đến các khớp rất kém, các khớp bị thiếu máu làm tái phát các bệnh về khớp, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức hơn bình thường.

Làm sao tránh đau khớp khi trời lạnh?

Liệu pháp không dùng thuốc

Các chuyên gia khuyên khi trời lạnh, bệnh nhân xương khớp nên: Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh (mặc nhiều lớp áo mỏng thay vì một chiếc áo dày, đeo găng tay và mang tất, dán các miếng giữ ấm lên các khớp); uống nhiều nước; giảm cân; tập thể dục buổi sáng trong nhà và thường xuyên massage các khớp, xoa dầu nóng; tắm nước ấm 30-400C, bởi nước ấm có tác dụng làm giảm các cơn đau khớp, tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ và là một cách tập thể dục tuyệt vời; ngâm, đắp nóng hoặc chườm nóng (rang lá ngải cứu với muối rồi đắp vào khớp sẽ làm cơn đau giảm đi hoặc ngâm chân từ 15-30 phút vào buổi tối trước khi ngủ bằng nước muối ấm và gừng hoặc lá lốt, kinh giới, tía tô làm dịu cơn đau, và giúp ngủ ngon).

Dùng thuốc trị bệnh viêm xương khớp mùa lạnh và những lưu ý đặc biệtCần lựa chọn thuốc phù hợp khi bị viêm xương khớp.

Liệu pháp dùng thuốc

Một số thuốc được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân xương khớp khi thời tiết chuyển mùa lạnh:

Bổ sung thêm vitamin D và calci: Nồng độ vitamin D thấp trong máu có thể làm bệnh nhân nhạy cảm hơn với các cơn đau khớp khi trời lạnh. Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Vào mùa đông, bệnh nhân cũng có khuynh hướng không được cung cấp đủ vitamin D từ thực phẩm tự nhiên hay ít được cơ thể tổng hợp từ ánh sáng mặt trời. Đối với người dưới 50 tuổi nên bổ sung 400 UI/ngày, người trên 50 tuổi nên dùng 800 UI/ngày. Không nên dùng quá 2.000 UI/ngày.

Bên cạnh bổ sung vitamin D cần bổ sung calci khoảng 1.000mg/ngày, người trên 65 tuổi sử dụng khoảng 1.500mg/ngày. Nên sử dụng chung calci với thức ăn vì thiếu acid dịch vị không thể hấp thu muối calci tốt và không nên uống calci vào buổi tối để tránh nguy cơ sỏi thận.

Bổ sung dầu cá: Việc sử dụng acid béo omega-3 có một vài lợi ích vì có thể giảm viêm xương khớp. Tuy nhiên, liều lượng cần được các bác sĩ chỉ định.

Thuốc giảm đau: Cân nhắc sử dụng paracetamol hoặc thuốc giảm đau chống viêm không steroid NSAIDs. Thuốc uống: paracetamol 500mg/lần mỗi khi đau, cách nhau 4-6 giờ.

Các thuốc như diclophenac, piroxicam, celecoxib 2 không nên dùng cho người có bệnh tim mạch và thận trọng ở người cao tuổi. Các thuốc này được uống sau ăn và nếu bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày thì cần dùng kèm với thuốc kháng tiết PPI (omeprazol, esomeprazol, rabeprazol, pantoprazol,...) vào buổi sáng, uống trước ăn 30 phút hoặc chuyển sang dạng thuốc bôi tại chỗ.

Thuốc bôi ngoài da: Các thuốc thường dùng như diclophenac gel, ketoprofen gel, profenid gel được khuyến cáo sử dụng điều trị thoái hóa khớp tay và khớp gối, không khuyến cáo điều trị thoái hóa khớp hông. Thoa 2-3 lần/ngày tại chỗ đau.

Paracetamol và NSAIDs thường được dùng phổ biến để điều trị thoái hóa khớp, nhưng vì tác dụng có hại của NSAIDs, khuyến cáo sử dụng paracetamol hoặc thuốc chống viêm dạng bôi trước khi sử dụng NSAIDs đường uống. NSAIDs ưu tiên dùng khi có viêm.

Các thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Gồm các thuốc như glucosamin, chondroitin sulfate và methylsufonylmethan (MSM) là các chất có trong các chế phẩm bổ sung, đóng vai trò trong việc duy trì sự linh hoạt của các mô khớp nối. Các thuốc này cần dùng kéo dài trong nhiều năm và mang lại tác dụng hỗ trợ trong thoái hóa khớp.


DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Ý kiến của bạn