Hà Nội

Dùng thuốc trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

19-03-2019 15:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - COPD là chữ viết tắt của Chronic Obstructive Pulmonary Disease, có nghĩa là “Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”.

Đây là một bệnh hô hấp, có đặc điểm phổi bị tắc nghẽn làm lưu lượng khí thở ra thường xuyên rất kém, bệnh càng ngày càng nặng tức không hồi phục hoặc chỉ hồi phục một phần.

COPD thường gắn liền và là biến chứng của viêm phế quản mạn tính hoặc khí phế thủng.Người ta còn phân biệt COPD ưu thế viêm phế quản mạn và COPD ưu thế khí phế thủng.

COPD biểu hiện bằng tình trạng viêm và co thắt các phế quản gây thở khò khè nhưng COPD khác với bệnh hen suyễn. Hen suyễn cũng là một bệnh mạn tính của đường hô hấp, đặc trưng bởi có sự kích thích của các chất gây dị ứng trong môi trường, trong khi COPD không liên quan đến dị ứng mà liên quan đến môi trường như khói thuốc lá, bụi nghề nghiệp. Người ta tính cứ 5 người nghiện thuốc lá có 1 người bị COPD.Được chẩn đoán là COPD khi người bệnh có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng liên tục trong một năm, đồng thời khó thở ngày càng tăng.

Do viêm và co thắt phế quản đưa đến phù nề, tăng tiết dịch, ứ đọng đàm nhớt làm giảm đường kính phế quản mà COPD làm cho người bệnh khó thở, ho, thở khò khè, thậm chí ngạt thở nguy hiểm đến tính mạng. Khi bệnh nặng người bệnh khó thở liên tục và có khi phải cấp cứu cho thở oxy.

Dùng thuốc trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Để điều trị COPD bằng thuốc hiệu quả cần có sự đánh giá độ nặng nhẹ của bệnh. Tùy theo triệu chứng lên cơn khó thở, tùy vào lưu lượng thở (PEF: Peak Expiratory Flow)) khi đo bằng lưu lượng đỉnh kế có 4 mức từ nhẹ đến nặng:

Giai đoạn I (COPD mạn tính nhẹ): ho mạn tính và khạc đàm, thường bệnh nhân ít chú ý.

Giai đoạn II và III (COPD vừa và nặng): bệnh nhân thường khó thở khi gắng sức, có thể do nhiễm trùng hô hấp.

Giai đoạn IV (COPD rất nặng): ho, khạc đàm liên tục, khó thở nặng lên và những biến chứng có thể xuất hiện.

Về thuốc trị COPD:

- Các thuốc làm giảm nhanh triệu chứng, gồm thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn (salbutamol, terbutalin), thuốc nhóm xanthin (theophylin), corticoid uống (chỉ dùng khi bị cơn nặng do gây nhiều tác dụng phụ có hại).

- Để gia tăng tác dụng giãn phế quản, cần kết hợp một thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn với một thuốc kháng cholinergic (như ipratropium) hay theopylline ở những bệnh nhân COPD sẽ làm cải thiện nhiều hơn và kéo dài hơn lưu lượng thở FEV1 so với sử dụng một loại thuốc.

- Về thuốc corticoid, trong điều trị COPD corticoid uống và khí dung ít có hiệu quả hơn so với trị  hen suyễn, chỉ dùng cho những chỉ định đặc biệt. Trong đợt bộc phát cấp của COPD, sử dụng corticoid với liều lượng dùng thích hợp trong 2 tuần là có lợi

-  Về kháng sinh, có thể dùng trong những đợt bộc phát cấp của COPD. Tuỳ theo loại vi khuẩn thường gây nhiễm trùng phế quản phổi mà sử dụng loại kháng sinh thích hợp.

- Về oxy liệu pháp, thường được chỉ định ở bệnh nhân COPD giai đoạn III nặng, bao gồm điều trị lâu dài liên tục ở người bị suy hô hấp mạn, hoặc trong các hoạt động thể lực để làm dịu cơn khó thở cấp.

Lời khuyên của thầy thuốc
Ngoài việc tuân thủ điều trị bằng thuốc, người bệnh COPD lưu ý:
Ngưng hút thuốc là điều quan trọng nhất, giúp phòng ngừa và làm chậm lại quá trình hạn chế hô hấp, làm chậm tiến triển bệnh.
Tích cực tập thở, thực hiện hướng dẫn của bác sĩ về tăng khạc đờm, về tập luyện phục hồi chức năng phổi, giúp giảm triệu chứng bệnh đồng thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.


PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn