Dùng thuốc trị Alzheimer như thế nào?

29-03-2019 21:17 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Alzheimer là bệnh ảnh hưởng đến trí nhớ (gây giảm trí nhớ), ngôn ngữ và tư duy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ khiến người bệnh gặp trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày.

Ở giai đoạn cuối, người bệnh thường bị tổn thương não nghiêm trọng. Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp chữa trị làm đảo ngược quá trình của bệnh nhưng một số thuốc có thể làm chậm tiến triển bệnh. Vậy đó là những thuốc nào? Khi dùng cần chú ý gì?

Các thuốc điều trị

4 loại thuốc được chấp thuận hiện nay để điều trị các triệu chứng của Alzheimer là donepezil, rivastigmine, galantamine và memantine. Hiện các loại thuốc này đang có sẵn và đã được phê duyệt hơn 1 thập kỷ trước để dùng trong điều trị bệnh này.

Dùng thuốc trong giai đoạn sớm của bệnh sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Dùng thuốc trong giai đoạn sớm của bệnh sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

3 dược chất donepezil, rivastigmin và galantamin thuộc nhóm ức chế acetylcholinesterase (AChE). Những loại thuốc này làm tăng nồng độ acetylcholine - một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, chịu trách nhiệm về trí nhớ và chức năng nhận thức của não bằng cách ngăn chặn sự phân hủy enzyme acetylcholine. Các thuốc này được dùng điều trị bệnh Alzheimer từ nhẹ đến trung bình, giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của Alzheimer trở nên tồi tệ hơn và có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng hành vi khác của bệnh.

Tất cả bệnh nhân khi dùng thuốc cần được theo dõi những thay đổi về chức năng nhận thức, triệu chứng không dung nạp đường tiêu hóa và giảm cân. Tránh sử dụng thuốc ức chế AChE ở bệnh nhân có tiền sử ngất do tăng nguy cơ nhịp tim chậm, hạ huyết áp thế đứng... Tuy nhiên, đối với bệnh nhân lão khoa khi dùng thuốc cần phải cân nhắc các rủi ro cụ thể so với lợi ích của thuốc mang lại trong từng trường hợp.

Dược chất thứ tư là memantine, được sử dụng để điều trị rối loạn từ trung bình đến trầm trọng (chứng mất trí) liên quan đến bệnh Alzheimer. Memantine không chữa khỏi bệnh Alzheimer, nhưng nó có thể cải thiện trí nhớ, nhận thức và khả năng thực hiện các chức năng hàng ngày của người bệnh. Thuốc memantine hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của một chất tự nhiên nhất định trong não (glutamate) được cho là liên quan đến các triệu chứng của bệnh Alzheimer.

Trong giai đoạn cuối của Alzheimer, memantine có thể được kết hợp với chất ức chế AChE hoặc có thể dùng sản phẩm kết hợp có chứa donepezil và memantine có sẵn trên thị trường.

Ngoài các thuốc trên, các bác sĩ có thể kê đơn dùng các thuốc trợ thần kinh như gingko biloba, nicergoline và piracetam; chất chống oxy hóa như vitamin E, selegiline...

Những lưu ý khi dùng thuốc

Trong điều trị, bệnh nhân thường được kê dùng với liều thấp và tăng dần liều lượng tới liều có tác dụng điều trị hiệu quả. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ tăng liều này. Việc tăng liều sẽ dựa vào từng trường hợp cụ thể và sự dung nạp thuốc của người bệnh nên liều lượng dùng cho từng bệnh nhân là không giống nhau (người bệnh không được mách bảo nhau dùng thuốc). Một số bệnh nhân có thể phải dùng các liều cao hơn của các chất ức chế cholinesterase. Tuy nhiên, với liều lượng cao hơn cũng sẽ tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết về những thuốc mình đang dùng, kể cả vitamin và thảo dược để bác sĩ cân nhắc, tư vấn... tránh những tương tác bất lợi do dùng nhiều thuốc một lúc gây ra. Trong quá trình dùng thuốc trị Alzheimer, người bệnh không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào khác mà không có ý kiến của bác sĩ.

Khi điều trị, người bệnh cần theo dõi về sự chuyển biến của bệnh (tốt lên hay xấu đi), theo dõi và báo cáo những bất thường trong dùng thuốc cho bác sĩ biết. Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng các thuốc này chủ yếu trên đường tiêu hóa (như buồn nôn, nôn, tiêu chảy) và giảm cân. Ngoài ra, donepezil còn gây đau cơ, mệt mỏi; rivastigmine gây khó tiêu, yếu cơ; galantamin có thể gây chán ăn, chóng mặt, nhức đầu và  memantine gây chóng mặt, nhức đầu, táo bón...

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị làm đảo ngược quá trình của bệnh Alzheimer nhưng có thể làm chậm tiến triển bệnh. Người bệnh càng được phát hiện sớm thì việc dùng thuốc trị càng đạt hiệu quả cao hơn.

Có thể phòng ngừa và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer bằng cách ăn uống khoa học, tham gia các hoạt động xã hội, trí não như đánh cờ, học ngoại ngữ... Đồng thời, duy trì chế độ ăn nhiều rau quả và tập luyện thể thao đều đặn, phòng ngừa đột quỵ, duy trì huyết áp khỏe mạnh, tránh hoặc kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, giảm cholesterol và không hút thuốc...


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn