Hà Nội

Dùng thuốc tránh thai hàng ngày: Cẩn trọng kẻo “vỡ kế hoạch” do tương tác thuốc

11-02-2019 17:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tác dụng của thuốc tránh thai hàng ngày là ức chế sự rụng trứng, qua đó tránh được việc có thai ngoài ý muốn. Thế nhưng trên thực tế có những trường hợp uống thuốc tránh thai mà vẫn có thai. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do tương tác bất lợi với các thuốc dùng cùng...

Cách dùng đúng...

Thuốc tránh thai hàng ngày thường chứa estrogen và progesterone (đây là hai hormone sinh dục nữ), có tác dụng ngăn cản sự rụng trứng, làm đặc chất nhày ở cổ tử cung, ngăn không cho tinh trùng vào tử cung, do vậy mà có tác dụng tránh thai. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tránh thai hàng ngày, nhưng tựu chung lại có hai loại: Vỉ 21 viên và vỉ 28 viên.

Đối với vỉ 21 viên

Cách uống vỉ đầu tiên: 1 viên/ngày, từ ngày thứ 1 của chu kỳ kinh, liên tục suốt 21 ngày; nếu kinh nguyệt đã xảy ra trong vòng 5 ngày: uống viên đầu tiên vào ngày thứ 5 và tiếp tục 1 viên/ngày cho đến hết vỉ thuốc, dùng kèm bao cao su hoặc kiêng giao hợp trong 7 ngày đầu uống thuốc.

Cách uống vỉ kế tiếp: Nghỉ 7 ngày sau khi uống hết vỉ đầu tiên, bắt đầu uống vỉ thứ 2 cho dù kinh nguyệt xuất hiện vào ngày nào.

Nếu quên 1 viên thuốc và nhớ ra trước 12 giờ, thuốc vẫn đảm bảo hiệu quả ngừa thai, uống ngay viên này và tiếp tục những viên còn lại như thường lệ. Nếu quên 1 viên thuốc và nhớ ra sau 12 giờ, uống bù tương tự nhưng phải dùng kèm bao cao su hoặc kiêng giao hợp trong vòng 7 ngày kể từ lúc nhớ ra.

Đối với vỉ 28 viên

Đối với vỉ 28 viên, ngoài 21 viên chứa hormon tránh thai còn có thêm 7 viên giả dược chứa đường hoặc sinh tố sắt... chứ không chứa thành phần tránh thai. Sở dĩ có thêm 7 viên giả dược nhằm giúp người dùng uống thuốc liên tục, tránh quên thuốc. Cách sử dụng cũng giống như loại vỉ 21 viên: Uống viên thứ nhất vào ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, mỗi ngày 1 viên cho đến hết 28 viên của vỉ thứ nhất thì chuyển sang uống vỉ thứ hai... và cứ tiếp tục uống hết vỉ này thì sang vỉ khác.

Chú ý: Nên uống thuốc vào một thời gian nhất định trong ngày. Thời điểm uống thuốc cố định trong ngày là tùy mỗi người lựa chọn sao cho phù hợp với bản thân. Uống thuốc theo chiều mũi tên chỉ dẫn hoặc theo số thứ tự có trên mỗi vỉ thuốc.

Cần thận trọng khi dùng thuốc tránh thai với các thuốc điều trị khác.

Cần thận trọng khi dùng thuốc tránh thai với các thuốc điều trị khác.

Lưu ý khi dùng cùng các thuốc điều trị khác

Đối với phụ nữ khi tránh thai bằng thuốc cần phải uống thuốc đều đặn hàng ngày và liên tục cho đến khi nào muốn có thai... Thế nhưng trong quá trình uống thuốc tránh thai, lỡ bị một bệnh nào đó cần phải điều trị bằng thuốc rất có thể các thuốc đó làm thay đổi hiệu lực của viên tránh thai hàng ngày, sẽ xảy ra tình trạng có thai ngoài ý muốn hoặc thay đổi tác dụng dược lý của thuốc và đôi khi cả độc tính với các thuốc khác.

Có khá nhiều loại thuốc đã được báo cáo  là có khả năng làm giảm hiệu lực của viên tránh thai, đó là:

Thuốc chống lao (rifampicin), thuốc chống động kinh (hydantoin, phenobarbital, carbamazepin)... Các thuốc này do cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc ở gan làm thuốc tránh thai bị chuyển hóa nhanh hơn, nên làm giảm hiệu lực của thuốc viên tránh thai. Vì vậy, nên tránh dùng các thuốc này cùng với thuốc tránh thai hoặc nếu không có thể phải dùng tăng thêm liều thuốc tránh thai.

Thuốc kháng sinh penicillin, tetracyclin và các dẫn xuất  có khả năng làm giảm hiệu lực của thuốc viên tránh thai do làm giảm vòng tuần hoàn ở gan, ruột của thuốc tránh thai. Trong trường hợp phải dùng cùng với các thuốc này, nên tạm thời sử dụng thêm các biện pháp tránh thai khác cho an toàn.

Ngoài ra, còn một số các thuốc khác nếu uống đồng thời với thuốc tránh thai cũng có thể làm “vỡ kế hoạch” như than hoạt và các chất hấp phụ khác, các thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng, vitamin C, cimetidin, promethazin, các sulffamid kháng khuẩn, các loại hormon tuyến giáp, thuốc chống tăng huyết áp, thuốc nhuận tràng.

Ngược lại, thuốc viên tránh thai cũng có thể làm ảnh hưởng tới tác dụng dược lý của nhiều thuốc khác. Các nhóm thuốc có thể bị ảnh hưởng gồm: Các thuốc hạ sốt, giảm đau; thuốc chống trầm cảm, thuốc chống sốt rét, các thuốc an thần nhóm benzediazepin, các thuốc ức chế bêta giao cảm, corticoid... Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng để thấy rằng các thuốc tránh thai ảnh hưởng một cách đáng kể đến mức phải điều chỉnh chế độ điều trị của các thuốc này.

Vì vậy khi sử dụng thuốc viên tránh thai hàng ngày, cần rất thận trọng khi dùng đồng thời các thuốc điều trị khác. Bởi nếu không bạn sẽ bị “vỡ kế hoạch” trong khi vẫn dùng thuốc tránh thai đều đặn...


DS. Nguyễn Thu Thủy
Ý kiến của bạn