1. Tác dụng của thuốc thiamazol
Theo ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thiamazol là một trong những thuốc kháng giáp phổ biến được dùng để điều trị tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức (hay còn gọi là bệnh cường giáp).
Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn các tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormon tuyến giáp. Bác sĩ chuyên khoa nội tiết có thể kê đơn thuốc thiamazol cho người bệnh nhằm:
- Điều trị triệu chứng nhiễm độc giáp.
- Kết hợp điều trị trước khi phẫu thuật tuyến giáp do cường giáp để nhằm dự phòng cơn nhiễm độc giáp có thể xảy ra.
- Dùng để bổ trợ trước và trong khi điều trị bằng liệu pháp i-ốt phóng xạ.
- Thuốc còn được chỉ định điều trị cơn nhiễm độc giáp trước khi dùng muối i-ốt.
Cường giáp nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
2. Lưu ý các tác dụng phụ và tương tác thuốc có thể gặp phải khi dùng thuốc thiamazol
Khi sử dụng thiamazol, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như:/span>
- Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt
- Buồn nôn nhẹ, nôn, dạ dày khó chịu
- Ngứa, phát ban da nhẹ trên da
- Đau cơ, đau khớp, đau dây thần kinh
- Sưng phù
- Rụng tóc...
Khi thấy những dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để có những điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, cần ngừng sử dụng thuốc ngay và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng sau đây:
- Sốt, ớn lạnh, đau họng, đau nhức cơ thể, các triệu chứng cúm...
- Dễ bầm tím hoặc chảy máu, cơ thể suy nhược
- Có máu trong nước tiểu hoặc phân
- Da phồng rộp nặng, bong tróc và phát ban đỏ
- Buồn nôn, đau bụng, chán ăn, nước tiểu đậm màu, phân màu đất sét, vàng da hoặc mắt.
Cùng với đó, cần lưu ý không tự sử dụng kết hợp thiamazol với bất kỳ loại thuốc nào khác mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.Một số loại thuốc có thể tương tác với thiamazol gây những phản ứng bất lợi hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc.
Theo đó, người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng các thuốc sau đây:
- Thuốc giãn phế quản aminophylline, oxtriphylline, theophylline
- Thuốc chống đông máu như acenocoumarol, anisindione, dicumarol, phenindione, phenprocoumon, warfarin…
- Thuốc chẹn beta, glycosid tim cần điều chỉnh liều thuốc sau khi đã điều trị thiamazol giúp tuyến giáp trở về bình thường.
Thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào khác thường trong quá trình sử dụng thuốc.
3. Cách sử dụng thuốc thiamazol hiệu quả
Để điều trị cường giáp, người bệnh cần dùng thuốc lâu dài, có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1-2 năm. Tùy từng giai đoạn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với liều lượng phù hợp.
Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc với liều khởi đầu cao, liều dùng hàng ngày nên được chia nhỏ và uống cách khoảng đều đặn trong ngày. Liều duy trì có thể dùng một lần vào buổi sáng, trong hay sau bữa sáng, tốt nhất nên dùng trước 8 giờ sáng.
Khi uống thuốc, người bệnh cần nuốt nguyên viên thuốc với lượng nước vừa đủ. Nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày, có thể cài chế độ nhắc nhở trong điện thoại để đảm bảo uống thuốc đúng giờ, tránh quên liều.
Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả tối ưu trong điều trị, hãy lưu ý:
- Tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi sức khỏe, từ đó có thể điều chỉnh thuốc cũng như liều lượng sử dụng sao cho thích hợp.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều hoặc ngừng sử dụng thuốc.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh tuyến giáp, kiêng các loại thực phẩm làm tăng hormone tuyến giáp như các thực phẩm giàu i-ốt (cá biển, lòng đỏ trứng, rong biển, sữa, bơ, phomai…)
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya, căng thẳng kéo dài…
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Vì Sao Một Số Người Luôn Bị Muỗi Đốt? | SKĐS