Dùng thuốc Tây cùng thảo dược: Coi chừng tương tác bất lợi

11-10-2019 07:50 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngày càng nhiều người có xu hướng tìm đến các thuốc có nguồn gốc thảo dược để tăng cường sức khỏe.

Tuy nhiên, đối với một số người đang phải dùng thuốc để điều trị bệnh mà dùng đồng thời cùng các loại thuốc thảo dược... sẽ khó tránh khỏi tình trạng bị tương tác thuốc, thậm chí nguy hiểm.

Không phải cứ thảo dược tự nhiên là sẽ an toàn. Ngay cả các loại thảo dược phổ biến nhất cũng có thể gây tương tác với thuốc tân dược và các chất bổ sung khác. Do đó, đối với thuốc có nguồn gốc thảo dược cũng cần sử dụng một cách cẩn trọng. Dưới đây là danh sách một số chất bổ sung có thể gây tương tác với các loại thuốc khác nhau mà bạn cần lưu ý khi sử dụng.

Dầu cá

Uống dầu cá với thuốc hạ huyết áp có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc này và có thể hạ huyết áp quá nhiều. Bạn cũng nên cẩn thận khi dùng dầu cá cùng với các loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen.

Dùng dầu cá liều cao với các loại thảo mộc làm chậm quá trình đông máu (bao gồm cả ginkgo bilboa) có thể gây chảy máu.

Canxi

Canxi có thể tương tác với nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc trị loãng xương được kê theo toa là bisphosphonates (như alendronate), một số loại thuốc huyết áp, kháng sinh trong họ tetracycline và quinolone,  evothyroxin, thuốc điều trị suy giáp.

Sử dụng thảo dược kết hợp thuốc Tây coi chừng bất lợi.

Sử dụng thảo dược kết hợp thuốc Tây coi chừng bất lợi.

Đông trùng hạ thảo

Khả năng kích thích hệ thống miễn dịch của đông trùng hạ thảo có thể gây tương tác với các loại thuốc làm giảm hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như các thuốc steroid.

Nhân sâm

Nhân sâm có công dụng điều hòa huyết áp, tuy nhiên công dụng này chỉ có ở hồng sâm khô, đối với việc sử dụng nhân sâm tươi trong trường hợp đang uống thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp sẽ làm mất hoàn toàn công dụng của thuốc, thậm chí gây nên tình trạng biến chứng nguy hiểm, do nhân sâm tươi khi mới uống sẽ làm tăng huyết áp đột ngột sau đó mới từ từ hạ xuống. Vì vậy những người bị huyết áp cao không nên uống nhân sâm tươi.

Ginko biloba

Ginkgo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cùng với các thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu. Một số thuốc như aspirin, thuốc chống đông máu warfarin hoặc heparin, thuốc chống kết tập tiểu cầu như clopidogrel và các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen. Bạn cũng cần tránh sử dụng ginkgo biloba 2-3 tuần trước khi thực hiện một số thủ tục phẫu thuật và nha khoa. Những người có bệnh tim cũng không được dùng.

Melatonin

Vì melatonin có thể khiến bạn buồn ngủ, vì vậy dùng thuốc an thần (như thuốc benzodiazepin, thuốc giảm đau và một số thuốc chống trầm cảm) có thể gây buồn ngủ quá nhiều. Melatonin cũng có thể làm chậm quá trình đông máu, do đó, dùng thuốc chống đông máu như heparin hoặc warfarin có thể làm tăng khả năng bị bầm tím và chảy máu. Tránh sử dụng melatonin nếu bạn đang dùng thuốc để kiểm soát huyết áp, vì nó có thể làm tăng huyết áp.

Dùng melatonin với các chất bổ sung khác có đặc tính an thần (bao gồm cả cỏ thánh John và valerian) có thể làm tăng dụng phụ của melatonin.

Cỏ thánh John

Uống thuốc có chứa thành phần là cỏ thánh John với thuốc chống trầm cảm có thể dẫn đến mức serotonin quá cao trong cơ thể bạn, dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm cứng cơ và co giật. John's wort cũng có thể làm cho các loại thuốc khác kém hiệu quả hơn, chẳng hạn như thuốc tránh thai, một số loại thuốc kháng HIV và thuốc làm loãng máu như warfarin. Nó cũng có thể tương tác với các loại thuốc đau nửa đầu phổ biến như sumatriptan và zolmitriptan và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng serotonin.

Vitamin D

Vitamin D có thể làm giảm hiệu quả của thuốc giảm cholesterol atorvastatin và cũng có thể can thiệp vào một số loại thuốc trị tăng huyết áp. Dùng vitamin D liều cao cùng với thuốc lợi tiểu có thể dẫn đến quá nhiều canxi trong cơ thể, có thể gây ra các vấn đề về thận.

Kẽm

Nếu bạn đang dùng một loại kháng sinh có chứa quinolone hoặc tetracycline cùng lúc với bổ sung kẽm có thể khiến cơ thể bạn khó hấp thụ cả thuốc và kẽm. Để đảm bảo bạn nhận được lượng kháng sinh phù hợp, hãy uống hai loại thuốc cách nhau từ 2 - 4 giờ.


DS. Vũ Thùy Dương
Ý kiến của bạn