Dùng thuốc tạo màng bọc trong trị loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori

21-04-2023 13:28 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Các thuốc tạo màng bọc giúp tạo vỏ bọc quanh ổ loét để bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp giảm đau và hỗ trợ chữa lành các vết loét ở dạ dày.

Thuốc trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.PyloriThuốc trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori

SKĐS - Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.Pylori hay HP) là một tác nhân quan trọng gây ra viêm loét dạ dày thậm chí làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày. Với sự gia tăng của các chủng H.pylori kháng thuốc khiến việc điều trị vi khuẩn bằng kháng sinh trở nên ngày càng khó khăn.

1. Thuốc tạo màng bọc dạ dày là gì?

Thuốc tạo màng bọc dạ dày là những thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi dịch vị có tính axit và là một nhóm thuốc phối hợp trong điều trị loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori.

Helicobacter pylori (H.Pylori) là vi khuẩn gây bệnh trong dạ dày người, liên quan đến sự xuất hiện và phát triển của nhiều bệnh tiêu hóa. Việc diệt trừ H. pylori có lợi cho việc hồi phục sau viêm dạ dày mãn tính, chữa lành vết loét đường tiêu hóa trên, đồng thời giảm tỷ lệ biến chứng loét và có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng trên toàn thế giới, do đó, tỷ lệ diệt trừ H.Pylori đang giảm nhanh chóng. Đặc biệt, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh clarithromycin, metronidazole và levofloxacin đang gia tăng, dẫn đến thất bại của liệu pháp bộ ba tiêu chuẩn. Để đạt được thành công trong điều trị, không thể thiếu thuốc tạo màng bọc dạ dày.

Thuốc tạo màng bọc dạ dày trong trị loét dạ dày do H.Pylori - Ảnh 2.

Helicobacter pylori là vi khuẩn gây bệnh trong dạ dày người.

2. Vai trò của thuốc trong điều trị loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn H.Pylori

Thuốc tạo màng bọc dạ dày trong điều trị vi khuẩn H.Pylori thường dùng là bismuth, có tác dụng ức chế sự phát triển của H.Pylori và có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn này (khi kết hợp với kháng sinh và liệu pháp ức chế tiết axit).

Liệu pháp bốn thuốc có bismuth (bao gồm thuốc ức chế bơm proton, bismuth, metronidazole và tetracycline) là một liệu pháp thay thế đầu tay tốt, đặc biệt hữu ích khi không thể sử dụng penicillin hoặc khi tình trạng kháng clarithromycin và metronidazole là phổ biến.

Thuốc có tác dụng diệt khuẩn trực tiếp đối với H.Pylori bằng nhiều cách khác nhau:

- Tạo phức hợp trong thành vi khuẩn và không gian periplasmic, ức chế các enzym khác nhau, tổng hợp ATP và làm bám dính vi khuẩn H.Pylori vào niêm mạc dạ dày.

- Bismuth cũng giúp chữa lành vết loét bằng cách hoạt động như một rào cản đối với các yếu tố gây hại và tăng các yếu tố bảo vệ niêm mạc như prostaglandin, yếu tố tăng trưởng biểu bì và bài tiết bicarbonate.

- Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, các chủng H.Pylori kháng metronidazole và clarithromycin trở nên nhạy cảm nếu được dùng cùng với bismuth. Liệu pháp 4 thuốc có chứa bismuth đã được khuyến cáo bởi cả Hướng dẫn Đồng thuận Châu Á-Thái Bình Dương và Đồng thuận Maastricht/Florence như một phác đồ lựa chọn đầu tiên thay thế cho liệu pháp 3 thuốc tiêu chuẩn (ở những vùng có tỷ lệ kháng clarithromycin thấp) và là phác đồ điều trị đầu tay ở những vùng có tỷ lệ kháng clarithromycin cao.

- Có thể đạt được hơn 90% thành công trong việc loại trừ bằng liệu pháp bốn thuốc có chứa bismuth. Chọn bismuth như một phần không thể thiếu trong liệu pháp đầu tay là hợp lý vì cả hai tình trạng kháng metronidazole và clarithromycin đều có thể được khắc phục bằng cách thêm bismuth vào phác đồ.

Thuốc tạo màng bọc dạ dày trong trị loét dạ dày do H.Pylori - Ảnh 3.

Không được lạm dụng thuốc tạo màng bọc trong điều trị loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori.

3. Lưu ý tác dụng phụ của thuốc

Các thuốc bismuth thường được sử dụng bao gồm bismuth kali citrate, bismuth pectin dạng keo, bismuth tartrate dạng keo, bismuth subsalicylate.

Các tác dụng phụ hay gặp phải của thuốc bao gồm: Lưỡi đen, phân đen (do tiếp xúc với một lượng nhỏ lưu huỳnh trong nước bọt và hệ tiêu hóa tạo thành hợp chất có màu đen). Tuy nhiên, tác dụng phụ này thường biến mất khi ngừng dùng thuốc vài ngày. Ngoài ra, thuốc còn gây vị kim loại trong miệng, nước tiểu sẫm màu tạm thời, nhiễm độc tai (nghe kém, ù tai), đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy.

Do khả năng gây độc thần kinh của các bismuth, nồng độ bismuth trong máu thường được khuyến cáo không vượt quá 100 ng/mL. Vì vậy, không dùng lạm dụng thuốc mà không hỏi ý kiến của dược sĩ và bác sĩ.

4. Cách dùng thuốc an toàn

Ngoài tuân thủ việc dùng thuốc điều trị vi khuẩn H.Pylori, người bệnh cũng cần phải thay đổi lối sống, đồng thời cần thực hiện:

- Dùng thuốc này trong bữa ăn và trước khi đi ngủ.

- Chú ý cách sử dụng thuốc: Với dạng viên nhai, cần nhai kỹ và hòa tan hoàn toàn trước khi nuốt. Với dạng viên nén không nhai, nên uống với một cốc nước đầy để giúp ngăn ngừa kích ứng hoặc loét ở thực quản. Ở dạng chất lỏng, trước khi dùng nên lắc đều, phân liều thuốc uống theo nhãn chỉ dẫn.

- Tránh uống rượu, thức ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ, quá nhiều caffein và các sản phẩm thuốc lá. Không uống sữa hoặc ăn các sản phẩm từ sữa với thuốc này.

- Tiếp tục sử dụng thuốc này trong suốt thời gian điều trị, ngay cả khi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn sau vài liều đầu tiên.

- Khi sử dụng các thuốc bismuth, cần theo dõi, báo cáo tình trạng đau bụng ngày càng tăng, nôn ra máu hoặc bã cà phê, phân đen hoặc hắc ín, cảm thấy chóng mặt, tim đập nhanh với chuyên gia y tế.

- Các thuốc bismuth không nên được sử dụng ở trẻ em dưới 12 tuổi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

DS.Hoàng Vân
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn