Hà Nội

Dùng thuốc súc họng chứa iod như thế nào?

16-04-2021 11:37 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi bị đau họng, có mua thuốc súc họng chứa iod về dùng. Tuy nhiên tôi cảm thấy lúng túng khi dùng loại thuốc này, mong bác sĩ tư vấn cho tôi cách sử dụng. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Trần Thị Liễu (Bắc Giang)

Thuốc súc họng có rất nhiều loại: Chống viêm, sát khuẩn, cân bằng lại pH vùng họng... Một trong những loại thuốc súc họng hay được sử dụng cho các trường hợp viêm nhiễm là dung dịch súc họng có chứa iod.

Đây là một loại thuốc sát trùng được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị các vết loét nhỏ và nhiễm trùng khoang miệng, có thể diệt sinh vật nhạy cảm như vi khuẩn, nấm, virus xâm nhập vào họng.

Cách sử dụng thuốc súc họng có chứa iod như sau:

Bạn ngậm một lượng thuốc trong khoang miệng và tạo độ rung cho lưỡi và má.

Ngửa cổ lên tạo tiếng kêu khi súc để dung dịch sát khuẩn có thể được láng đều trong họng miệng và khoang miệng. Có thể nghiêng mặt về bên trái và phải, lúc này dịch sẽ lách qua các kẽ răng làm sạch khoang miệng, lợi.

Ngậm dung dịch trong 5 phút rồi nhổ ra ngoài. Có thể lặp đi lặp lại động tác này 5 lần trong mỗi lần súc họng.

Mỗi ngày súc họng 03 lần.

súc họngCần súc họng đúng kỹ thuật để thuốc phát huy tác dụng tối ưu.

Tuy nhiên bạn cần lưu ý không phải ai cũng có thể sử dụng được loại thuốc này. Những trường hợp sau không được dùng: Trẻ dưới 6 tuổi; những người mẫn cảm với iod, polyvinylpyrrolidine hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần bào chế của dung dịch súc họng; những người viêm họng nhưng lại có tiền sử bệnh lý của tuyến giáp, nhất là bướu cổ (đặc biệt là bướu cổ có nhân và viêm tuyến giáp Hashimoto).

Nên tránh sử dụng thường xuyên thuốc súc họng có chứa iod với những người đang dùng thuốc lithium, chỉ nên dùng dưới 5 ngày.

Khi dùng thuốc súc họng vài ngày không thấy đỡ bạn nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được tư vấn và chỉ định dùng thuốc phù hợp, vì có thể bệnh của bạn cần dùng các loại thuốc khác chứ không chỉ đơn thuần dùng thuốc súc họng mà khỏi được.


PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn