Hà Nội

Dùng thuốc phù hợp đặc điểm sinh lý

01-11-2016 16:22 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Người cao tuổi (NCT) thường phải dùng nhiều loại thuốc do cùng một lúc mang nhiều bệnh khác nhau. Nếu NCT dùng thuốc không đúng có thể thuốc không có tác dụng hoặc thuốc ảnh hưởng lẫn nhau, hoặc đôi khi có tác dụng phụ gây bất lợi.

Đặc điểm sinh lý ảnh hưởng đến dùng thuốc

Theo dòng thời gian, tuổi càng cao các chức năng của cơ thể càng suy giảm làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày (ăn uống, ngủ, vận động, suy nghĩ…), trong đó có ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc, nếu khi mắc bệnh. Đa số NCT khi chức năng của cơ thể suy giảm sẽ dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng với thuốc, điều đó có nghĩa là liều thuốc dùng để điều trị rất gần với liều độc hại cho cơ thể. Hơn nữa sự giảm chức năng sẽ làm ảnh hưỡng đến sự hấp thu thuốc hoặc giảm sự đào thai chất cặn bã, chất độc, thuốc dư thừa sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. Đơn cử như bộ máy tiêu hóa của NCT sẽ có nhiều thay đổi do giảm lượng máu tuần hoàn đến nuôi ruột, giảm số lượng các tế bào hấp thu ở ruột và kèm theo sự giảm nhu động ruột làm cho sự hấp thu trở nên khó khăn và chậm chạp hơn làm cho thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hóa. Vì chức năng suy giảm cho nên các mô tạng trong cơ thể cũng suy giảm cả về khối lượng, cả về chất lượng, do đó lượng mỡ và nước cũng suy giảm theo. Từ đó, các loại thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ, còn các thuốc tan trong mỡ bị chậm khởi động, trong khí đó lại tăng thời gian tác dụng dễ dẫn đến tích lũy thuốc gây độc cho cơ thể.

Khi tuổi càng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chuyển hóa, phân bố và thải trừ của thuốc. Đối với sự chuyển hóa thuốc trong cơ thể cũng vậy, khi NCT các chức năng suy giảm, thuốc chuyển hóa trong máu sẽ không được như người trẻ tuổi. Bởi vì, khi tuổi càng cao các loại protein chịu trách nhiệm vận chuyển thuốc trong máu giảm xuống một cách đáng kể. Vì vậy, khi thuốc vào trong cơ thể dù là đường nào (tiêm, uống…) sự lưu hành tự do trong cơ thể sẽ tăng dễ dẫn đến biến chứng do tính độc của thuốc.

Ngoài ra, gan, thận là các cơ quan đóng vai trò chính trong việc thải trừ thuốc, nếu khối lượng, trọng lượng, chức năng của chúng bị suy giảm do tuổi tác, việc đào thải không được trọn vẹn sẽ có hiện tượng tích lũy gây độc cho cơ thể.

uong thuoc

Mặt khác, vì các chức năng của NCT bị suy giảm cho nên các loại bệnh càng dễ tấn công hơn, do đó NCT thường mắc một lúc nhiều bệnh (bệnh tăng huyết áp, hoặc hạ huyết áp, tăng mỡ máu, rối loạn men gan, đái tháo đường, thoái hóa khớp hoặc các bệnh về hô hấp, Alzheimer, bệnh nhiễm trùng…). Vì vậy, khi dùng thuốc để điều trị bệnh này làm gia tăng bệnh kia hoặc dùng cùng lúc dùng nhiều thuốc để điều trị nhiều bệnh sẽ làm tăng nặng các bệnh hoặc có thể các thuốc làm giảm tác dụng của nhau hoặc ngược lại.

Dùng thuốc thế nào cho đúng?

Trước hết, nếu thấy chưa đến mức phải dùng thuốc, chỉ cần chế độ ăn uống tốt, vận động cơ thể bằng hình thức đi bộ, chơi thể thao, tập thể dục buổi sáng đều dặn  mà thấy ổn định thì nên tiếp tục làm như vậy, đồng thời đi khám bệnh theo định kỳ.

Nếu NCT có bệnh nhưng chưa đi khám nên tìm mọi cách để được người nhà đưa đi khám bệnh. Không nên nghe theo sự mách bảo của bạn bè, người thân hoặc mượn đơn thuốc của người khác để mua thuốc điều trị cho mình. Bởi vì, thứ nhất, chưa khám bệnh làm sao biết mình mắc bệnh gì; thứ hai, dùng đơn thuốc của người khác, mặc dù có cùng loại bệnh nhưng việc sử dụng thuốc ở từng cơ thể có khác nhau, không thể vận dụng cho người này với người khác.

Khi đi khám bệnh cần nói rõ cho bác sĩ biết mình đang mắc những bệnh gì (huyết áp, dạ dày, hen suyễn, thoái hóa khớp, gút hoặc đái tháo đường…) để bác sĩ cân nhắc khi kê đơn thuốc, bởi vì, cùng một lúc bác sĩ không thể xác định nhiều bệnh được, nhất là bệnh mạn tính, bệnh nhân đã từng được điều trị. Không nên dấu bệnh. Bởi vì, có thuốc điều trị cho bệnh này nhưng chống chỉ định cho bệnh kia (ví dụ, corticoid dùng điều trị bệnh khớp nhưng không dùng cho người đau dạ dày hoặc tăng huyết áp hoặc thuốc điều trị tăng huyết áp loại chẹn bêta không dùng cho người bị hen suyễn hoặc người bị đái tháo đường…).

Khi đã được khám bệnh và có chỉ định dùng thuốc, nhất là các bệnh mạn tính (thoái hóa khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường…), cần tuân theo chỉ định và tư vấn dùng thuốc của bác sĩ khám bệnh cho mình. Khi về nhà, cần cho người nhà biết bệnh của mình và các loại thuốc được bác sĩ chỉ định (hoặc đã phát, đã mua hoặc phải mua) cho người nhà biết để được hướng dẫn cụ thể việc dùng thuốc theo như bác sĩ đã căn dặn. Bản thân người bệnh nếu còn minh mẫn cần sắp xếp từng loại thuốc và ghi rõ thời gian uống (uống trước ăn, sau ăn), không nên để thuốc lẫn lộn sẽ khó tìm, uống sai chỉ dẫn, nếu cần thiết cần nhờ người nhà sắp sếp riêng từng loại thuốc đề tên, uống vào lúc nào, mấy viên… thật to để không bị nhầm lẫn.

Lời khuyên của thầy thuốc
Điều đặc biệt quan trọng khi NCT dùng thuốc là cần theo dõi diễn biến của bệnh để biết thuốc có tác dụng không, nhất là các bệnh nhiễm trùng cấp tính (theo dõi sốt, mạch, huyết áp…), đặc biệt là theo dõi tác dụng phụ của thuốc (đỏ bừng mặt, ngứa, cồn cào, huyết áp tụt...) cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc khẩn trương đưa người bệnh đến bệnh viện, đề phòng dị ứng thuốc (sốc). Một số thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến (nam giới), thuốc chống co thắt có thể làm tụt huyết áp thể đứng, vì vậy, NCT hết sức cảnh giác mỗi lúc nằm hoặc ngồi đứng dậy đi.

PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU
Ý kiến của bạn