Dùng thuốc phóng xạ I-131, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần lưu ý gì?

04-08-2021 13:30 | Dược

SKĐS - Một trong những phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp là dùng thuốc phóng xạ iod 131. Vậy người bệnh cần lưu ý gì khi dùng phương pháp xạ trị này?

Điều trị I-131 cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp, tạo thành khối u ác tính. Đây là bệnh phổ biến nhất trong ung thư tuyến nội tiết và số lượng người mắc tăng trong những năm gần đây.

Xạ trị I-131, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần làm gì? - Ảnh 1.

Hình ảnh ung thư tuyến giáp.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ ung thư tuyến giáp cao, chiếm 1-2% tất cả các loại ung thư, nhưng chiếm trên 90% ung thư thuộc tuyến nội tiết. Trong số đó, chủ yếu hay gặp là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. 

Đa số ung thư tuyến giáp  được phát hiện khi khối u nhỏ và phát triển chậm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện muộn, thậm chí là khi đã di căn. Ung thư tuyến giáp nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt thì đạt hiệu quả cao, tỉ lệ sống trên 10 năm là khoảng trên 90 - 95%.

Điều trị ung thư tuyến giáp thế nào?

Phẫu thuật tuyến giáp

Phẫu thuật cắt tuyến giáp là phương pháp lựa chọn hàng đầu trong điều trị ung thư tuyến giáp. Thông thường, ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm, chưa xâm lấn và di căn có thể chỉ cần phẫu thuật cắt thuỳ tuyến giáp và không cần điều trị tiếp bằng phóng xạ I-131.

Đối với những trường hợp khối u to, xâm lấn, đặc biệt là có di căn hạch cổ, di căn xa.  Về điều trị, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ.  Sau đó tùy từng bệnh nhân sẽ được điều trị I-131 để diệt mô giáp còn lại; điều trị bổ trợ hoặc điều trị di căn bằng I-131 sau phẫu thuật. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ cần phải uống thuốc hormone tuyến giáp suốt đời.

Lợi thế của xạ trị I-131 điều trị ung thư tuyến giáp 

Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu iod rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô giáp còn lại (lành tính và ung thư) sau khi phẫu thuật cũng như di căn hạch và di căn xa. I-131 sau khi hấp thu tế bào vào sẽ phá hủy ADN và làm chết tế bào tuyến giáp. Đồng thời do không có đặc tính bắt giữ I-131 nên các tế bào khác của các cơ quan khác trong cơ thể sẽ ít chịu tác động của I-131.

Trước khi điều trị I-131 bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân ngừng hormone tuyến giáp từ 4-6 tuần nhằm tăng khả năng hấp thu I-131 khi sử dụng để đạt hiệu quả điều trị tối đa. Khi chỉ số TSH đạt tới mức cần thiết theo yêu cầu của bác sĩ, bệnh nhân được uống I-131 liều nhỏ và chụp xạ hình I-131 chẩn đoán.

Xạ trị I-131, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần làm gì? - Ảnh 2.

Điều trị I-131 cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp.

Bệnh nhân cần có giai đoạn ăn kiêng 2 tuần trước khi được điều trị bằng I-131. Đây là cách để giảm lượng iod tối đa trong cơ thể để khi đưa iod phóng xạ vào thì tổ chức tuyến giáp đang "khát" iod sẽ bắt lấy iod tối đa. 

Từ đó các tổ chức tuyến giáp hoặc các khối ung thư tuyến giáp di căn sẽ được phát hiện và điều trị hiệu quả. Xét nghiệm này giúp bác sĩ có thể ước lượng được phần mô giáp cần phá hủy là bao nhiêu cũng như đánh giá tổn thương di căn xa ở hạch cổ, phổi và các vị trí khác.

Những lưu ý khi điều trị I-131

I-131 được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp khá ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, đây là chất dược chất phóng xạ có thể phát ra những tia phóng xạ ảnh hưởng đến môi trường và người xung quanh. 

Chính vì vậy mà khi điều trị với liều lớn bằng I-131 thì bệnh nhân phải cách ly 2-3 ngày trong bệnh viện. Mục đích là để nguồn bức xạ từ bệnh nhân không ảnh hưởng tới người xung quanh và gom các chất thải để tiêu hủy một cách an toàn, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng.

Xạ trị I-131, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần làm gì? - Ảnh 3.

Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần được theo dõi định kỳ.

Sau khi bệnh nhân được ra viện, mặc dù liều phóng xạ còn lại khá thấp và an toàn nhưng nguồn bức xạ có thể ảnh hưởng đến người xung quanh. Chính vì thế bệnh nhân phải tiếp tục cách ly tương đối trong 2 - 3 tuần. Những chất thải của bệnh nhân cũng phải được quản lý và xử lý một cách chặt chẽ.

Vì vậy, các bác sĩ y học hạt nhân vẫn phải hướng dẫn bệnh nhân sau khi ra viện các biện pháp cách ly. Tuyệt đối không được tiếp xúc với phụ nữ có thai, trẻ em nhỏ và giữ khoảng cách tối thiểu là 2-3m.

Những tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị bằng I-131

Điều trị I-131 là biện pháp xạ trị chiếu trong của y học hạt nhân sẽ chọn lọc tác động vào tổ chức tuyến giáp còn lại hay di căn nên các tổ chức cơ quan khác không bị ảnh hưởng nhiều như xạ trị chiếu ngoài. Tuy nhiên, vẫn có các tác dụng phụ với tần xuất và mức độ thấp hơn so với xạ ngoài.

Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, nôn, viêm tuyến giáp do phóng xạ, sưng vùng cổ không đau, viêm tuyến nước bọt, giảm vị giác, viêm dạ dày - ruột, viêm bàng quang và đường tiết niệu… Nhưng những triệu chứng này hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Để giảm thiểu tác dụng phụ này, bệnh nhân có thể dùng các thuốc chống nôn, cần uống nhiều nước, kích thích tiết nước bọt nhiều (ngậm chanh), dùng các thuốc giảm đau, chống viêm …. Những tác dụng phụ này sau khoảng vài ba ngày điều trị cũng sẽ giảm dần.

Nếu sử dụng I-131 liều cao, nhiều lần thì cũng có những tác dụng phụ không mong muốn lâu dài. Thông thường, bệnh nhân sẽ được điều trị I-131 theo lộ trình cách nhau 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng. Với bệnh nhân sử dụng liều thấp thì các tác dụng phụ sẽ nhanh chóng biến mất. Với những bệnh nhân sử dụng liều cao và phải tái sử dụng nhiều lần thì nguy cơ xuất hiện loại ung thư thứ 2 (như là ung thư bàng quang, bệnh máu …). Tuy nhiên, tỉ lệ này rất thấp. Bác sĩ điều trị sẽ giúp cân bằng lợi ích và nguy cơ khi điều trị cho bệnh nhân.

Rất nhiều bệnh nhân chỉ cần sử dụng vài liệu trình và được tiếp tục theo dõi mà sau đó không cần sử dụng liệu trình nào nữa đã trở lại tình trạng sức khỏe bình thường.

Mời các bạn xem thêm video đang được quan tâm:

PGS.TS.Lê Ngọc Hà - Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TW Quân đội 108
Ý kiến của bạn