Hà Nội

Dùng thuốc phòng và trị thủy đậu đúng cách

14-05-2018 06:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện thủy đậu đang bắt đầu xuất hiện và có xu hướng gia tăng, thường bắt đầu vào tháng 1, tăng mạnh và đỉnh điểm vào tháng 3 hàng năm.

Bệnh có khả năng lây lan rất cao, dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Để ứng phó với dịch thủy đậu, cần dùng thuốc phòng và trị đúng cách…

Bệnh thủy đậu còn gọi phỏng rạ do virut Varicella zoster gây ra, là bệnh sốt phát ban có bóng nước gây ngứa toàn thân, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn ở trẻ em, nhất là những trẻ em chưa tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh.

Khi bị thủy đậu, khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Biểu hiện ban đầu xuất hiện các nốt ban đỏ thường bắt đầu ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Các nốt ban này sẽ tiến triển thành các nốt phỏng (giống như bỏng) chứa dịch (lúc đầu trong, sau đục dần, có mủ). Sau đó, các nốt phỏng này vỡ ra, đóng vảy rồi tự khỏi.

Dùng thuốc phòng và trị thủy đậu đúng cáchTiêm vắc-xin là biện pháp phòng thủy đậu hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, thủy đậu có thể gây nên các biến chứng từ nhẹ (nhiễm trùng nốt phỏng có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da) đến nặng (do vệ sinh, điều trị không đúng cách gây bội nhiễm vi khuẩn xâm nhập vào qua các nốt phỏng vào máu gây nhiễm trùng huyết). Ngoài ra, có thể gặp một số biến chứng khác như: viêm màng não, viêm phổi... (mặc dù ít xảy ra nhưng rất nặng và khó điều trị. Đối với viêm màng não nếu qua khỏi cũng sẽ để lại di chứng xấu về thần kinh).

Vì vậy, mặc dù bệnh có vẻ “lành tính” nhưng không được chủ quan, coi thường. Khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên (nốt ban) hoặc nghi ngờ thủy đậu, người bệnh cần đi khám, tùy từng trường hợp, giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc trị thích hợp, đúng cách.

Các thuốc thường dùng chủ yếu là điều trị triệu chứng gồm:

Đau-sốt

Để trị sốt, đau đầu, đau cơ…, có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Đây là thuốc hạ sốt, giảm đau thường dùng, thông dụng và an toàn. Dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao (trên 38,5 độ). Tuy nhiên, cần lưu ý tới khoảng cách giữa các lần dùng thuốc phải cách nhau ít nhất từ 4-6 giờ mới được dùng lại, dùng đúng liều chỉ định hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất (trong hướng dẫn sử dụng)… để tránh hại gan do thuốc.

Không nên dùng aspirin để hạ sốt vì thuốc có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như gây loét đường tiêu hóa, mệt mỏi, ban da, yếu cơ, nặng hơn là khó thở, sốc phản vệ… Tuyệt đối không được dùng thuốc này cho trẻ em dưới 18 tuổi vì nguy cơ gây hội chứng Reye là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có liên quan đến não và gan.

Chống ngứa

Ngứa là biểu hiện thường gặp khi bị thủy đậu. Nếu ngứa nhiều có thể dùng các thuốc kháng histamin như chlorpheniramin hay loratadin để làm giảm triệu chứng ngứa. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng an thần rất khác nhau từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, gây khô miệng, chóng mặt và gây kích thích xảy ra khi điều trị ngắt quãng. Vì vậy, khi dùng các thuốc này, cần phải lưu ý, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Thuốc chống virut

Thuốc có tác dụng làm giảm độ nặng của bệnh và giảm các ca nhiễm thứ phát. Thuốc thường dùng là aciclovir, có tác dụng ức chế tổng hợp DNA và sự nhân lên của virut mà không ảnh hưởng gì đến chuyển hóa của tế bào bình thường. Ngoài điều trị thủy đậu, thuốc còn được dùng điều trị khởi đầu và dự phòng tái nhiễm virut Herpes simplex týp 1 và 2 ở da và niêm mạc, viêm não Herpes simplex; Điều trị nhiễm Herpes zoster (bệnh zona) cấp tính, zona mắt, viêm phổi do Herpes zoster ở người lớn… Điều trị bằng aciclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu triệu chứng của bệnh. Khi dùng đường uống có thể gặp tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, nôn. Dạng kem bôi có khi gặp cảm giác nhất thời nóng bỏng hoặc nhói ở vị trí bôi kèm theo ban đỏ nhẹ khi khô.

Chống nhiễm khuẩn

Để chống bội nhiễm vi khuẩn có thể bôi dung dịch xanh - methylen, hồ nước, mỡ kháng sinh hoặc uống kháng sinh (nếu cần thiết). Bôi các thuốc trên vào các nốt thủy đậu đã vỡ có tác dụng làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh. Nốt nào chưa vỡ thì không nên bôi vì không có tác dụng. Không dùng các thuốc có chứa corticoid để điều trị thủy đậu vì sẽ làm nặng thêm bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc chữa triệu chứng, người bệnh cần tránh gãi (vì gãi có thể làm các nốt phỏng vỡ ra gây bội nhiễm vi khuẩn), giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ; nên tắm bằng nước chè tươi hoặc nước sạch đã đun sôi. Khi tắm cần nhẹ tay tránh để vỡ các nốt phỏng. Không nên kiêng nước, kiêng gió và điều trị theo lời mách bảo như bôi phấn rôm, đắp lá cây, chọc vỡ các mụn nước gây biến chứng nhiễm trùng và sẽ để lại sẹo.

Dùng thuốc phòng và trị thủy đậu đúng cách

Phòng ngừa

Đối với thủy đậu, tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Hơn 90% người đã tiêm phòng sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. Thực tế cho thấy, khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, thường không gặp biến chứng.

 

Khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng chống thủy đậu

Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

 


BS. Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn