Ngược lại, thận tiếp xúc và bài tiết thuốc ra khỏi cơ thể thì chính nó cũng bị thuốc gây những tổn thương hoặc làm suy giảm chức năng bài tiết và nói tắt là “thuốc hại thận”, Đặc biệt khi bị bệnh thận, chức năng thận bị suy giảm. vì vậy, sử dụng thuốc ở người bị bệnh thận có nguy cơ bị hại hơn người bình thường.
Có ba nguy cơ có thể xảy ra cho người bị bệnh thận dùng thuốc. Đó là: thứ nhất, thuốc gây độc cho thận làm suy giảm chức năng thận nặng hơn; thứ hai, thuốc được thải trừ chậm sẽ bị tích lũy trong cơ thể, gây tăng tác dụng tác dụng phụ có hại (gọi là ADR) của thuốc; thứ ba, rối loạn nội môi do suy thận gây ra làm cho dễ bị nhiễm độc thuốc ngay cả ở liều đã được tính toán xem là phù hợp.
Bệnh thận hại thuốc
Khi chức năng bài tiết của thận do bệnh thận giảm đi có thể làm giảm gắn kết thuốc với protein (chủ yếu là albumin) có trong máu khi thuốc được phân bố đi khắp cơ thể. Sự giảm gắn kết protein sẽ tăng lượng thuốc tự do có trong máu,gây tăng tác dụng điều trị của thuốc và cũng tăng cả ADR. Điển hình của thuốc giảm sự gắn kết protein máu đưa đến phần tư do thuốc có trong máu tăng khi chức năng thận giảm là phenytoin chống động kinh. Do phần tự do của phenytoin có tác dụng dược lý tăng nên nồng độ toàn phần để thuốc có tác dụng điều trị phải giảm để không làm hại. Trong thực tế, phải giảm liều dùng của phenytoin. Nếu không, dùng liều thông thường phenytoin vẫn gây độc.
Khi chức năng bài tiết của thận do bệnh thận giảm đi có thể làm thay đổi hoặc giảm chuyển hóa thuốc ở gan. Điển hình của thận hại thuốc kiểu này là thuốc trị tim mạch propranolol hay nicardipin. Khi giảm chuyển hóa ở gan tức sự thải trừ thuốc giảm, đòi hỏi phải giảm liều dùng, nếu dùng liều thông thường có khi là có hại do tác dụng dược lý của thuốc tăng lên.
Khi chức năng bài tiết của thận do bệnh thận giảm đi có thể làm tăng tính đáp ứng của cơ thể với thuốc. Các thuốc như thuốc phiện, thuốc an thần nhóm benzodiazepin, nhóm phenothiazin đều tăng tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương ở người mà chức năng thận thận giảm so với người chức năng thận bình thường. Nguyên nhân chưa rõ nhưng cũng có thể do tăng tính thấm của hàng rào máu - não. Các thuốc hạ huyết áp cũng thường gây hạ huyết áp tư thế nhiều hơn ở người suy thận, có thể là do thay đổi cân bằng natri trong máu.
Ở người có bệnh thận tùy theo mức độ suy giảm chức năng thận làm giảm đào thải thuốc, hoặc rối loạn nội môi do suy thận gây ra có thể làm dễ bị nhiễm độc do thuốc. Ví dụ, giảm kali máu do bệnh thận làm dễ nhiễm độc thuốc trợ tim digoxin. Bệnh nhân có hẹp động mạch thận, khi dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển trị tăng huyết áp có thể gây suy thận cấp, hoặc gây tăng kali máu làm rối loạn nhịp tim...
Người bệnh thận dùng thuốc cần chú ý gì?
Điều chỉnh liều thuốc: nhìn chung, tất cả người bệnh bị bệnh thận có thể sẽ gặp nguy cơ xấu khi được dùng thuốc với liều bằng với liều cho người bệnh có chức năng thận bình thường.
Đối với nhiều loại thuốc mà ADR chỉ liên quan rất ít hoặc không liên quan đến liều dùng thì thường không phải tính liều điều chỉnh một cách thật chính xác khi chức năng thận suy giảm mà chỉ cần một phác đồ giảm liều đơn giản. Đối với các thuốc độc hại hơn, có khoảng an toàn hẹp thì khi thận suy phải điều chỉnh liều dựa vào mức lọc cầu thận. Tổng liều duy trì hàng ngày của mỗi thuốc có thể giảm xuống bằng cách hạ thấp liều dùng hàng ngày hoặc kéo dài khoảng cách giữa các liều (nhịp cho thuốc trong ngày thưa hơn). Trong bệnh viện, giới chuyên môn phải tính toán rất kỹ để điều chỉnh liều thuốc ở người có chức năng thận suy giảm. Trong quá trình điều trị phải thăm dò liều cẩn thận, dựa trên đáp ứng lâm sàng và định lượng nồng độ thuốc trong huyết tương.
Tóm lại, điều chỉnh liều tùy theo tình trạng lâm sàng của bệnh. Có thể giảm liều bằng cách giảm liều ở mỗi lần dùng mà không thay đổi khoảng cách đưa thuốc, hoặc giãn khoảng cách đưa thuốc mà không thay đổi liều.
Dùng thuốc đúng chỉ định, đúng cho người bị bệnh thận: cần kiểm tra tình trạng bệnh của thận, chức năng của thận, mức lọc cầu thận trước khi chỉ định sử dụng thuốc. Lưu ý người suy kiệt có cân nặng thấp, tình trạng mất nước, các thuốc phối hợp có gây tương tác... để chỉ định đúng liều, cách dùng phù hợp. Nếu dùng thuốc dài ngày cần được theo dõi chức năng thận, kể cả chức năng gan.
Người đã bị bệnh thận nên lưu ý: tuân thủ các điều kiện dùng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu đến thận; không tự ý mua và dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ để tránh mắc phải nguy hại do dùng thuốc không đúng.