Dùng thuốc ở người cao tuổi
Người cao tuổi thường hay phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị các bệnh lý mạn tính. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ dễ dẫn đến tăng nguy cơ tương tác thuốc và phản ứng có hại của thuốc, hoặc dùng thuốc để điều trị bệnh này lại làm trầm trọng thêm bệnh kia. Ví dụ thuốc lợi tiểu chữa tăng huyết áp có thể làm nặng thêm bệnh gút; các thuốc giảm đau chống viêm có thể gây loét và chảy máu đường tiêu hóa, tăng khả năng suy thận. Người cao tuổi cũng bị thay đổi đáng kể một số chức năng ở các cơ quan trong cơ thể, nên dẫn đến hiện tượng đáp ứng chậm hoặc đáp ứng mạnh quá với thuốc... dễ dẫn tới ngộ độc.
Người cao tuổi, khả năng nhai nuốt cũng gặp khó khăn, vì vậy cần uống thuốc ở tư thế đứng với nhiều nước để thuốc trôi nhanh xuống dạ dày, tránh mắc lại ở thực quản, gây loét, nhất là đối với các thuốc gây kích ứng mạnh.
Khi kê đơn thuốc cho người cao tuổi, bác sĩ cần hướng dẫn cụ thể cách dùng thuốc. Ảnh: TM
Bộ máy tiêu hóa của người cao tuổi ngày càng kém đi trong khi thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn nên dễ dẫn đến nguy cơ chảy máu cao do dùng các thuốc chống viêm không steroid...
Khối lượng các mô ở người cao tuổi giảm, do vậy khối lượng nước giảm mà khối lượng mỡ nói chung lại tăng lên. Do vậy các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ; còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm khởi đầu, nhưng lại tăng thời gian tác dụng, dễ dẫn đến tích lũy gây độc. Chẳng hạn như khi dùng các loại vitamin nhóm tan trong dầu như vitamin A, vitamin D... thì tác dụng chậm nhưng lại kéo dài. Do đó, khoảng thời gian giữa các lần dùng lại phải xa nhau. Còn khi uống các loại vitamin tan trong nước như vitamin B, vitamin C thì người cao tuổi cần phải uống với một lượng nước nhiều hơn.
Thuốc được thải trừ qua gan và thận là chủ yếu, nhưng ở người già, khối lượng gan và thận đều giảm; lượng máu đến cũng giảm, do vậy ảnh hưởng tới chuyển hóa của thuốc; dễ dẫn đến tích lũy và gây độc.
Với trẻ em
Đặc điểm sinh lý cũng như các bộ phận trong nội tạng trong cơ thể của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện. Chức năng thải độc của gan chưa đầy đủ, chức năng lọc của thận còn yếu nên quá trình thải trừ diễn ra chậm, do đó thuốc dễ bị tích lũy trong cơ thể. Trẻ vẫn còn thiếu một số men chuyển hóa và mức độ nhạy cảm của các cơ quan đích đối với thuốc cũng như các tác nhân gây bệnh cũng khác nhau... Do vậy, khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ cần phải rất thận trọng. Thông thường liều dùng thuốc ở trẻ nhỏ được tính theo mg/kg cân nặng.
Do việc uống thuốc viên ở trẻ nhỏ thường khó khăn, nên dùng thuốc ở các dạng bào chế dạng lỏng (hỗn dịch, thuốc bột hòa tan với nước, siro...) cho trẻ.
Các loại thuốc cần thận trọng: Do cơ thể trẻ chưa phát triển hết và có những loại thuốc khi dùng cho trẻ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển về thể chất. Chẳng hạn như kháng sinh cloramphenicol gây ngộ độc cho tủy xương, nếu dùng kéo dài có thể gây suy tủy, thiếu máu không hồi phục. Kháng sinh tetracyclin không nên dùng cho trẻ dưới 8 tuổi vì thuốc này làm chậm phát triển xương, làm cho răng vàng nâu vĩnh viễn. Kháng sinh streptomycin, gentamycin không dùng cho trẻ sơ sinh vì có thể làm ảnh hưởng đến thính lực của trẻ. Các loại sulfonamid như bactrim, không nên dùng cho trẻ nhỏ vì dễ gây vàng da và độc với thận. Kháng sinh nhóm quinolol như ciprofloxacin... làm chậm quá trình phát triển chiều cao của trẻ em nên không dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi...
Một số thuốc tinh dầu chiết xuất từ thảo dược, được coi là lành tính thì cũng không nên dùng cho trẻ. Bởi vì tinh dầu của các loại dầu này nếu đi vào đường thở có thể gây đột ngột co thắt phế quản, gây suy hô hấp, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ em...
Lưu ý với người chăm sóc trẻ: Việc dùng bất kỳ loại thuốc nào đối với trẻ cũng phải hết sức thận trọng, cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người chăm sóc trẻ cũng phải tìm hiểu về tác dụng chính - tác dụng phụ của thuốc; liều lượng thuốc; đường đưa thuốc vào cơ thể; thời điểm uống thuốc: lúc mấy giờ, trước, sau hay trong khi ăn; không được pha trộn các loại thuốc với nhau một cách tùy tiện...
Cần hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi; tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được cho là “thuốc bổ”, hay thực phẩm chức năng. Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc với gan, thận và hiệu quả cao... Liều dùng phải thích hợp với từng người bệnh cụ thể và luôn luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại trong điều trị. Tránh tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác. Phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc, nhất là tác dụng phụ trên gan, thận. Với các loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ, để tránh hiện tượng tích luỹ thuốc.