Lê Thị Trà (Ý Yên, Nam Định)
Rôm sảy là những hạt nhỏ màu hồng, hơi cứng, đôi khi có nước, gây ngứa ngáy khó chịu cho bé, vị trí thường thấy ở lưng, ngực, bắp tay, bắp chân. Đây là hiện tượng tuyến mồ hôi bị đè ép, bít kín lại làm mồ hôi không thoát ra ngoài được.
Không nên tự ý dùng thuốc bôi khi trẻ bị rôm sảy.
Với dạng rôm sảy nhẹ thì không cần phải điều trị. Nhưng ở các dạng nặng hơn, nốt rôm mọc thành mảng lớn, dày đặc, tấy đỏ thì cần dùng thuốc bôi để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng.
Thuốc bôi thường dùng là dung dịch calamine làm dịu ngứa, thuốc anhydrous lanolin ngăn ngừa tình trạng bít các ống tuyến mồ hôi và hạn chế mọc rôm sảy mới. Thuốc bôi có chứa corticoid dùng trong các trường hợp rôm sảy nặng và theo chỉ định của bác sĩ. Loại kem có thành phần hydrocortisone hoặc acid salicylic có tác dụng làm khô bề mặt da, se lỗ chân lông, trị rôm sẩy. Việc bôi, chấm phấn rôm lên vùng da bị rôm sau khi tắm cũng sẽ làm dịu cơn ngứa của bé, góp phần điều trị hiệu quả tình trạng rôm sẩy. Tuy nhiên, cần lựa chọn loại phấn rôm đảm bảo chất lượng để tránh gây tác dụng ngược cho bé như làm bé bị dị ứng, viêm da...
Trong quá trình điều trị không để bé gãi làm trầy xước nốt rôm sảy dễ nhiễm khuẩn. Nên tắm cho trẻ em bằng sữa tắm hoặc thuốc tím pha loãng màu, thoa bột Talc vào những vùng da nhiều mồ hôi. Ngoài ra, nên cho trẻ uống nước bột sắn dây, nước cam, chanh, uống vitamin C... để làm dịu các ngứa ngáy do rôm sẩy.
Trường hợp con bạn có quá nhiều rôm, bạn nên đưa con đi khám để được dùng thuốc thích hợp; không nên tự mua thuốc bôi vì có thể làm bệnh nặng thêm, bé có thể bị bội nhiễm.
DS. Trần Thăng