Suýt mất chân do chữa bỏng không đúng cách
BVĐK tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (16 tuổi) nhập viện trong tình trạng vết bỏng vùng đùi cẳng chân phải, trái nhiễm trùng do người nhà tự ý dùng thuốc nam để điều trị bỏng.
Qua thăm khám các bác sĩ nhận định người bệnh bị bỏng độ 2-3, diện tích khoảng 20% và xuất hiện tình trạng nhiễm trùng.
Được biết trước đó vết bỏng của người bệnh nông, nhưng sau khi dùng thuốc nam để chữa vết bỏng lan rộng, trở nên nghiêm trọng hơn và xuất hiện tình trạng nhiễm trùng, do vậy gia đình đã đưa vào viện để điều trị.
Người nhà bệnh nhân cũng thừa nhận không rõ loại thuốc có tác dụng như thế nào chỉ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian.
Qua trường hợp này các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đắp, bôi bất kỳ thứ gì lên vết bỏng khi chưa được phép của bác sĩ.
BSCKI. Bế Ích Hiến, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - BVĐK tỉnh Cao Bằng cho biết: Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi, bỏng lửa, bỏng hóa chất... Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như mặt, chân, lưng, cánh cẳng tay, bàn tay… ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, nếu không kịp thời chữa trị sẽ để lại những di chứng nặng nề.
Bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc, có những bệnh nhân tại vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí.
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị bỏng nhưng không đến cơ sở y tế mà tin theo lời mách dùng thuốc nam đắp vào vết bỏng và để lại hậu quả nặng nề, thế nhưng dường như những cảnh báo ấy vẫn chưa đủ mạnh bởi vẫn còn rất nhiều trường hợp bị bỏng biến chứng nặng chỉ vì tin theo lời mách và tin đồn.
Khi bị bỏng, nếu không được chữa trị đúng cách bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, khi bị bỏng cần đến bệnh viện xử lý vết thương ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Xử trí khi bị bỏng
Khi bị bỏng phải lập tức cách ly người bị bỏng khỏi tác nhân gây bỏng; sau đó ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng).
Nếu bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt, nếu diện bỏng rộng thì cần chú ý giữ ấm ở những phần không bị bỏng. Việc này có tác dụng giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn, sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế có điều trị bỏng để được điều trị kịp thời.