Dùng thuốc mỡ corticoid cũng phải cẩn trọng

04-02-2013 09:08 | An toàn dùng thuốc
google news

Thuốc mỡ (dạng cream bôi) chứa corticoid là những chế phẩm có tác dụng tốt và nhanh trong điều trị một số bệnh ngoài da, sẩn ngứa, dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm da thần kinh...

Thuốc mỡ (dạng cream bôi) chứa corticoid là những chế phẩm có tác dụng tốt và nhanh trong điều trị một số bệnh ngoài da, sẩn ngứa, dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm da thần kinh... Người ta thường dùng các corticoid tổng hợp có hoạt phổ mạnh, có hiệu quả cao, ít gây tác dụng phụ để điều trị các bệnh ngoài da.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Cơ chế tác dụng của các corticoid dùng tại chỗ là do phối hợp 3 tính chất quan trọng: chống viêm, chống ngứa và tác dụng co mạch.

Dùng thuốc mỡ corticoid cũng phải cẩn trọng 1
Không bôi thuốc corticoid  lên vùng da nhiễm khuẩn.

Sau khi bôi tại chỗ, các corticoid trên da bình thường còn nguyên vẹn, chỉ một lượng nhỏ thuốc tới được chân bì và sau đó vào hệ tuần hoàn chung. Tuy nhiên, hấp thu tăng lên đáng kể khi da bị mất lớp keratin, bị viêm hoặc bị các bệnh khác ở hàng rào biểu bì (như vảy nến, eczema). Tùy theo mức độ thấm, lượng thuốc bôi và tình trạng da ở chỗ bôi thuốc mà lượng hấp thụ nhiều hoặc ít có khác nhau. Thuốc được hấp thu khá nhiều là ở vùng da bìu, hố nách, mặt và da đầu. Được hấp thu ít là bôi ở vùng cẳng tay, đầu gối, khuỷu tay, lòng bàn tay. Mặt khác, sau khi rửa chỗ bôi thuốc, corticoid vẫn được hấp thu trong thời gian dài, có thể do thuốc được giữ lại ở lớp sừng. Qua da, lượng thuốc được hấp thu sẽ phân bố vào da, cơ, gan, ruột và thận. Corticoid chuyển hóa bước đầu ở da, một lượng nhỏ được hấp thu vào hệ tuần hoàn và được chuyển hóa ở gan thành các chất không có tác dụng. Thuốc thải trừ qua thận chủ yếu dưới dạng glucuronid và sulfat, nhưng cũng có một lượng dưới dạng không liên hợp. Một lượng nhỏ các chất chuyển hóa thải trừ qua phân.

Nên dùng thế nào cho đúng?

Tuy thuốc mỡ corticoid có tác dụng tốt và nhanh trong điều trị một số bệnh ngoài da nhưng không phải là thuốc chữa được “bách bệnh” da. Mặt khác, thuốc còn có chống chỉ định trong một số trường hợp và còn có những tác dụng phụ phản ứng quá mẫn như viêm da, ngứa, trứng cá đỏ, thậm chí có thể gặp teo da, vết rạn, nhiễm khuẩn thứ phát... Bởi thế, khi dùng thuốc, nên có hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc.

Chỉ dùng corticoid cho người có đáp ứng với loại thuốc đó, nếu thử không thấy đáp ứng thì không nên dùng. Chỉ bôi một lớp mỏng thuốc lên vùng da bị bệnh 2 - 3 lần trong ngày tùy thuộc vào mức độ bệnh lý. Nếu bôi dày, bôi nhiều lần, kéo dài thì dễ bị tác dụng phụ của corticoid và các thành phần phối hợp. Thời gian điều trị không nên quá 1 tuần. Nếu bôi lâu ngày, nhất là ở vùng da mỏng sẽ gây teo da, giãn mạch. Bôi vùng da tổn thương lớn với vết bôi rộng, lâu dài cũng cần theo dõi các tác dụng phụ như khi dùng corticoid toàn thân. Không nên lạm dụng bởi thuốc mỡ corticoid cũng không ngăn ngừa được tái phát, mà khi tái phát bệnh lại nặng hơn trước, cứ thế người bệnh luôn phụ thuộc vào thuốc. Ngoài ra, người ta còn thấy tác dụng chống viêm của các corticoid có thể bị giảm nhanh khi dùng nhắc lại. Tuyệt đối không được bôi thuốc mỡ corticoid lên vùng da bị nấm (hắc lào, lang ben…) lên các tổn thương do virut (herpes, thủy đậu…) hoặc các tổn thương đang có nhiễm khuẩn cấp tính sẽ làm bệnh nặng thêm và lan rộng.

BS. Vũ  Hướng  Văn



Ý kiến của bạn