Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Cao Bằng cho biết, BV vừa tiếp nhận bệnh nhân P.V.T (33 tuổi, Trùng Khánh, Cao Bằng) trong tình trạng phù toàn thân tăng dần, bụng chướng căng, tiểu ít, khó thở khi nằm.
Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân có tiền sử thận mạn tính, khoảng 5 năm trở lại vẫn thường xuyên đến khám và lấy thuốc đều dặn. Tuy nhiên do đặc thù công việc đi làm ngoài, hay quên uống thuốc nên dùng thuốc chưa đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, do đó bệnh trở nặng nên được người nhà đưa vào viện.
Qua thăm khám làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: suy thận mạn giai đoạn cuối, hội chứng thận hư, thiếu máu, tăng huyết áp và được chuyển bệnh viện tuyến trên điều trị tiếp.
Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng phù toàn thân, bụng chướng căng, khó thở… do dùng thuốc không đúng phác đồ điều trị.
Các dấu hiệu của hội chứng thận hư
BS CKI Nguyễn Thị Vân Vy - Trưởng khoa Nội tổng hợp, BVĐK tỉnh Cao Bằng cho biết: Hội chứng thận hư là bệnh thường gặp phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh, 80-90% không tìm thấy nguyên nhân, mặc dù bệnh biểu hiện rất rõ.
Bình thường trong nước tiểu không có hoặc có rất ít protein do cơ chế tái hấp thu protein ở thận. Tuy nhiên, đối với người mắc hội chứng thận hư protein trong nước tiểu rất cao, làm cho nước tiểu trở nên đục, xuất hiện bọt. Người bệnh tiểu ít, tăng cân hơn bình thường, protein máu giảm, có thể bài trừ mỡ và đạm qua đường nước tiểu, đặc biệt phù là triệu chứng thường gặp nhất ở hội chứng thận hư. Bệnh diễn biến đột ngột theo từng đợt, việc điều trị sẽ làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, và làm chậm quá trình tổn thương thận.
Do bản chất là bệnh thường tái phát, cần điều trị lâu dài trong nhiều năm. Vì vậy, người bệnh phải tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ để hạn chế những biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng do mất protein trong máu, rối loạn các chất điện giải.
Cách phòng tránh hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư diễn biến một cách thầm lặng, rất khó phát hiện, khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn nặng.
Hội chứng thận hư là căn bệnh phổ biến ở cả người lớn và trẻ em nhưng phổ biến hơn ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, tình trạng thoát protein niệu kéo dài sẽ gây ra một loạt bệnh lý và biến chứng nguy hiểm.
Để phòng và hạn chế bệnh tái phát, cần:
- Theo dõi bệnh định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Không tự ý bỏ thuốc, giảm liều thuốc, không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc.
- Có chế độ ăn nhạt, bù lại protein cho cơ thể bằng cách tăng cường bổ sung protein trong thức ăn, tránh ăn các thức ăn có nhiều mỡ. Bổ sung khoảng 300-500ml nước/ ngày trong giai đoạn phù nhiều. Nên ăn nhiều hoa quả tươi giàu vitamin nhóm B.
- Phòng tránh nhiễm lạnh đường hô hấp trên, viêm da.
- Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng hàng ngày. Móng tay và chân phải được cắt ngắn và sạch sẽ, tránh các vết gãi, gây sây sát da, nhất là các nơi ẩm thấp dễ gây bội nhiễm.
- Giữ môi trường sống luôn thoáng mát, sạch sẽ. Phát hiện sớm các vết loét để điều trị kịp thời, rửa các vết loét bằng nước muối sinh lý, nước oxy già.
- Người bệnh hội chứng thận hư chỉ nên tập những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe và làm những công việc nhẹ để đảm bảo bệnh tình không trầm trọng hơn.
Khi nào cần đi khám?
Khi có những dấu hiệu phù chân, mắt cá chân, bàn chân, phù mặt; tiểu ít, nước tiểu đục…. người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị phù hợp; không tự ý điều trị bệnh, không tự uống thuốc nam.
Nên đi khám sức khỏe định kỳ tại các chuyên khoa thận - tiết niệu để kịp thời phát hiện, điều trị sớm, làm thuyên giảm bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.