Dùng thuốc khi mắc bệnh tổ đỉa

05-07-2018 14:24 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh tổ đỉa là một bệnh ngoài da thường gặp. Tuy nhiên do không hiểu rõ bệnh nên nhiều người thường lầm tưởng bệnh với các bệnh ngoài da khác...

Bệnh tổ đỉa là một bệnh ngoài da thường gặp. Tuy nhiên do không hiểu rõ bệnh nên nhiều người thường lầm tưởng bệnh với các bệnh ngoài da khác, từ đó dẫn đến việc dùng thuốc tùy tiện, không đúng khiến bệnh không khỏi và dễ tái phát.

Tổ đỉa có tên khoa học là Dysidrose, là một thể đặc biệt của bệnh chàm, biểu hiện với mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, đặc biệt ở mé bên của ngón tay, lòng bàn tay, mặt trên - mặt bên và mặt dưới ngón chân, lòng bàn chân. Mụn nước ăn sâu vào thượng bì làm da nổi gồ lên, hình tròn, rải rác hay xếp thành chùm. Các mụn nước thường xẹp đi và teo đét chứ không tự vỡ, thường có màu hơi ngà vàng, khi bong ra để lộ một nền da hồng, hình đa cung hoặc tròn, có viền vảy xung quanh, kèm theo rất ngứa, càng gãi càng ngứa, bệnh thường kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần, tróc vảy rồi lành và bệnh hay tái phát. Cũng như eczema, tổ đỉa gây ngứa nhiều, bệnh nhân gãi, chà xát làm vỡ mụn nước, dễ thành nhiễm khuẩn phụ, sưng tấy, nổi hạch, có khi phát sốt. Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát theo chu kỳ (dân gian gọi là theo tuần trăng) thành mạn tính, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, trở ngại nhiều cho sinh hoạt, lao động nếu không được điều trị đúng đắn.

Thuốc trị bệnh tổ đỉa

Mục đích của điều trị là nhằm làm cho da lành như bình thường, nhưng bệnh có thể tái phát lại nếu hiện diện các yếu tố thúc đẩy bệnh như (dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt, trong nghề nghiệp như xăng, dầu mỡ, thuốc kháng sinh, xà bông thơm, xà phòng giặt, chất tẩy rửa, dầu thơm, xi măng, vôi...). Cũng như đối với eczema, điều trị tổ đỉa thường khó khăn do hai yếu tố nhiễm khuẩn, dị ứng thường kết hợp với nhau. Tùy từng trường hợp, thầy thuốc sẽ phải dùng đến các thuốc chống nhiễm khuẩn, chống nấm, chống dị ứng toàn thân hoặc tại chỗ.

Hạn chế tiếp xúc với hóa chất để tránh tái phát bệnh tổ đỉa.

Thuốc chống nhiễm khuẩn là các loại thuốc kháng sinh phù hợp với thể trạng bệnh. Có thể dùng dạng kem bôi hoặc thuốc uống. Người bệnh không tự ý sử dụng kháng sinh mà phải do thầy thuốc khám bệnh kê đơn và dùng đủ liều lượng chỉ định. Và chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn. Thuốc chống nấm có khá nhiều loại như clotrimazol hoặc ketoconazole có thể dùng dạng kem bôi hoặc uống... Đối với cơ địa dị ứng nên dùng phối hợp thêm các thuốc chống dị ứng như kháng histamine (chlopheniramine, cetirizine, loratadine...) hoặc nhóm corticoid. Đây là các thuốc có khá nhiều tác dụng phụ nên chỉ sử dụng sau khi có tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa và chọn dạng bào chế phù hợp nhất.

Điều trị tại chỗ bằng cách ngâm rửa tay chân với thuốc tím pha loãng. Chấm thuốc BSI 1% - 3% khi chỉ có mụn nước đơn thuần. Khi tổ đỉa đã nhiễm khuẩn có mủ hoặc bóng nước to thì chích cho vỡ ra, sau đó bôi thuốc chống nhiễm khuẩn như milian, eosine. Thủ thuật này phải thực hiện đúng cách, do nhân viên y tế làm và có đủ thuốc sát trùng, thuốc chống nhiễm khuẩn. Chiếu tia tử ngoại tại chỗ.

Trong điều trị phải điều tra các chất gây dị ứng để loại trừ. Tránh tự ý bóc vảy, chọc mụn vì dễ gây nhiễm trùng. Nên rửa tay chân nhẹ, không cào gãi, làm xây xước các mụn nước đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát. Không nên ngâm tay nhiều làm ẩm ướt lớp sừng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn. Tránh tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, thuốc tẩy rửa. Khi cần phải đeo găng bảo vệ. Cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Để hạn chế tái phát bệnh

Cần lưu ý một số điểm sau để tránh tái phát:

Hạn chế tiếp xúc với hóa chất: Hóa chất mà đặc biệt là chất tẩy rửa rất kỵ đối với bệnh tổ đỉa. Khi tiếp xúc với hóa chất và chất tẩy rửa có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí với những người tưởng chừng như đã khỏi thì vẫn có thể tái nhiễm sau khi tiếp xúc với hóa chất mà đặc biệt là xà phòng và các chất tẩy rửa khác. Vì vậy, cần bảo vệ vùng da bị bệnh trước các yếu tố hóa chất. Dù bàn tay có bị bệnh hay không thì cũng nên mang theo bao tay khi rửa bát và giặt đồ bởi chúng chứa hàm lượng chất tẩy rửa rất cao. Chỉ cần có thêm kích ứng là vùng tiếp xúc có thể bị phát bệnh. Dùng các loại dầu gội đầu và sữa tắm trung tính ít độ tẩy rửa.

Chú ý tới thời tiết, thận trọng với món ăn lạ: Nhiều bệnh nhân viêm da cơ địa là do cơ thể phản ứng với các yếu tố thời tiết. Đây là lý do khiến mỗi người bị viêm da ở những thời điểm khác nhau. Hãy để ý và rút kinh nghiệm xem bản thân mình thường hay phát bệnh vào khoảng thời gian nào hoặc mùa nào để từ đó có cách khắc phục. Ví dụ khi bị dị ứng với gió lạnh, phấn hoa thì phải đeo kính mắt, dùng khẩu trang rộng, ấm để đảm bảo da không phải tiếp xúc nhiều với các dị nguyên này.

Nhiều người khi ăn đồ hải sản, đồ tanh... lập tức có hiện tượng nổi mẩn đỏ khắp người. Đây là một thể viêm da cơ địa do dị ứng với thức ăn. Do vậy, những người có tiền sử viêm da cơ địa cần thận trọng với thức ăn lạ, thức ăn có chất tanh. Ngoài ra, cần hạn chế dùng các chất đường, mỡ, chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê... Trong khẩu phần ăn hàng ngày, nên chú ý ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, quả tươi...


DS. Nga Anh
Ý kiến của bạn