Dùng thuốc khi đau họng

25-05-2020 10:24 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết lúc nắng lúc mưa tại miền Bắc nước ta hiện nay khiến nhiều người dễ có cảm giác bị đau họng. Ðau họng là một trong những triệu chứng của các bệnh lý tại họng, trong đó nguyên nhân gây đau họng nhiều nhất là viêm họng. Vậy khi bị đau họng cần dùng thuốc như thế nào?

Thuốc súc họng

Thành phần chủ yếu là kháng viêm và tinh dầu, loại chất này bay hơi nhanh, tạo cảm giác giảm đau vùng họng bị viêm nhiễm. Bên cạnh đó, các chất này có thể xâm nhập qua màng sinh học của vi khuẩn và tiêu diệt các vi sinh vật, ngăn ngừa sự tập trung, sinh sôi của vi khuẩn. Ví dụ, một trong những khuyến cáo phòng bệnh COVID -19 là súc họng thường xuyên bên cạnh việc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay vì các nhà nghiên cứu nhận thấy virus xâm nhập đầu tiên ở niêm mạc mũi và miệng, sinh sôi ở đường hô hấp trên (hầu, họng), sau một thời gian ủ bệnh mới di chuyển xuống đường hô hấp dưới (phổi, phế quản).

Súc miệng, súc họng sát khuẩn không chỉ tiêu diệt virus ngăn chúng xâm nhập vùng hầu họng mà còn tiêu diệt khi chúng nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài, phòng lây nhiễm cũng như chống virus phát tán mạnh hơn.

Cần lưu ý không dùng dung dịch súc họng để chữa đau họng cho trẻ nhỏ.

Khi bị đau họng cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và chỉ định dùng thuốc.

Khi bị đau họng cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và chỉ định dùng thuốc.

Thuốc viêm ngậm

Dạng viên ngậm trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng, dưới lưỡi để vào máu hoặc cho tác dụng tại chỗ.

Thuốc thường chứa các hoạt chất như tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu tràm (eucalyptol) hoặc dextromethorphan hoặc tinh dầu bạch đàn, mật ong, gừng, chanh... có tác dụng sát trùng, sát khuẩn, làm dịu các cơn đau họng...

Một số người khi thấy có triệu chứng đau họng tự ý mua thuốc về sử dụng, không đi khám bệnh, có thể không phát hiện được biểu hiện đau họng là do nguyên nhân gì, đặc biệt bỏ qua biểu hiện của các khối u ác tính vùng họng.

Bên cạnh đó, một vài loại thuốc viên ngậm có thể gây hại cho người sử dụng như người bị hen, bị dị ứng với thành phần thuốc ngậm, người đang dùng thuốc trị bệnh tim, nên tránh tự ý sử dụng những loại thuốc ngậm viêm họng này mà không có sự chỉ định của bác sĩ vì thuốc có thể làm cho các bệnh này nặng hơn, thậm chí có thể gây sốc phản vệ, rất nguy hiểm. Các bà mẹ đang mang thai hay cho con bú cũng nên tránh sử dụng thuốc ngậm viêm họng nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc đường uống

Thuốc giảm đau, giảm viêm: Có thể dùng các thuốc kháng viêm không steroid. Các thuốc này có tác dụng ngăn chặn enzyme COX I và COX II, nên có tác dụng giảm đau, kháng viêm. Tuy nhiên bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ khi dùng thuốc này như đau, loét dạ dày, xuất huyết... Vì vậy chỉ dùng các thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Có thể sử dụng enzym chống viêm là alpha chymotrypsin có tác dụng tăng tốc các phản ứng hóa học trong cơ thể. Thuốc dùng để giảm sưng đỏ và đau họng, giúp tổn thương nhanh phục hồi.

Có hai cách dùng alpha chymotrypsin đường uống hoặc ngậm dưới lưỡi. Lưu ý không dùng cho những trường hợp rối loạn cơ chế đông máu, bệnh gan nặng và dị ứng với những thành phần của thuốc, tăng áp suất dịch kính và có vết thương hở hoặc đục nhãn thể mắt bẩm sinh. Thuốc có thể gây các phản ứng phụ như tăng nhãn áp, viêm niêm mạc, tê liệt và viêm da. Biểu hiện dị ứng như: Nóng, đỏ, đau, sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, phát ban, giảm acid dạ dày.

Phối hợp kháng sinh: Nếu đau vẫn tăng, chủ yếu dùng kháng sinh nhóm betalactam theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tóm lại, dù chỉ là triệu chứng đau họng, người bệnh không nên chủ quan, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 như hiện nay, tốt nhất người bệnh nên được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tư vấn, khám và chỉ định dùng thuốc. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc vì có thể gặp những tác dụng không mong muốn, việc chữa trị không đạt được kết quả.


PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn