Viêm amidan là một bệnh lý hô hấp có thể mắc phải ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất là ở đối tượng trẻ nhỏ. Bệnh có thể kéo dài dai dẳng, tiến triển nặng và nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản, khí phế quản và nặng hơn nữa đó là viêm khớp, thấp tim, viêm cầu thận... nếu không được điều trị dứt điểm.
Nguyên nhân và triệu chứng
Ngoài tác nhân môi trường như thay đổi thời tiết đột ngột, môi trường sống nhiều khói bụi, ăn uống đồ lạnh... là yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh viêm amidan, thì ở một số người có tạng bạch huyết phát triển mạnh, nhiều hạch ở cổ, ở họng quá phát rất dễ bị viêm nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho viêm amidan. Cũng do cấu trúc và vị trí amidan có nhiều khe kẽ và ngóc ngách, là nơi trú ẩn và phát triển của vi khuẩn. Amidan nằm ở vị trí giữa đường ăn và đường thở là cửa ngõ xâm nhập của các yếu tố bên ngoài nên cũng dễ bị viêm.
Khi bị viêm amidan, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau họng, khó nuốt, hơi thở có mùi hôi... Bác sĩ khám bệnh thấy amidan sưng to, đỏ, có khi có mủ... Nếu như việc điều trị không triệt để, bệnh tái phát nhiều lần thì viêm amidan cấp sẽ chuyển thành thể viêm amidan mạn, mà đối với trẻ em hay còn gọi là viêm amidan quá phát.
Điều trị bệnh thế nào?
Đối với việc điều trị amidan ở trẻ nhỏ không quá khó khăn và phức tạp. Nhưng cần một liệu trình đủ để dứt điểm bệnh cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cần chú ý tới việc kết hợp chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho trẻ để tránh amidan bị viêm đi viêm lại. Việc sử dụng thuốc điều trị viêm amidan còn phụ thuộc vào viêm cấp tính hay mạn tính, viêm do vi khuẩn hay virut...
Điều trị amidan cấp tính: Điều quan trọng là cần cho trẻ nghỉ ngơi, ăn nhẹ và uống đủ nước. Sử dụng thuốc hạ sốt như ibuprofen hoặc paracetamol theo chỉ định hoặc theo hướng dẫn liều/cân nặng. Nếu như trẻ đau họng không thể nuốt được thuốc (hoặc nôn, trớ) thì có thể sử dụng thuốc dạng viên đặt hậu môn và miếng dán hạ sốt cho trẻ.
Vệ sinh sạch sẽ mũi và họng cho trẻ bằng cách nhỏ mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý ấm hoặc các dung dịch sát khuẩn như: bicarbonat natri, bôrat natri... (nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm). Bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ bằng các loại nước ép trái cây hoặc multivitamin...
Cân nhắc sử dụng thêm các thuốc chống viêm, giảm đau và các thuốc giảm ho cho trẻ. Việc điều trị kháng sinh cần được xem xét kỹ lưỡng và cho phép của các bác sĩ điều trị đối với từng trường hợp bệnh của trẻ. Nếu bị viêm amidan do virut thì không cần sử dụng kháng sinh. Chỉ cần thực hiện một số biện pháp hỗ trợ trị bệnh như vừa nêu ở trên thì bệnh sẽ rất dễ bị đẩy lùi nhanh chóng. Chỉ uống kháng sinh khi viêm do vi khuẩn hoặc do virut nhưng bội nhiễm vi khuẩn.
Viêm amidan do vi khuẩn thường có triệu chứng lưỡi bẩn, amidan sưng to, trên bề mặt có xuất hiện những chấm hoặc mảng mủ trắng. Trong trường hợp này, ngoài biện pháp nêu trên nhất thiết phải dùng kháng sinh điều trị để phòng bội nhiễm và tránh các biến chứng nguy hiểm như: áp-xe thành họng, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm xoang, thấp khớp... Một số loại thuốc kháng sinh thường dùng như penicillin hoặc erythromycin (nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin).
Chỉ khi xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, sử dụng đúng liều, đúng cách thì các loại thuốc điều trị mới phát huy tác dụng. Do đó, ngay khi phát hiện triệu chứng viêm amidan bạn cần đến ngay các phòng khám chuyên khoa uy tín để được thăm khám và chữa trị kịp thời, hiệu quả nhất. Tuyệt đối không được tự ý chẩn bệnh và mua thuốc về điều trị.
Điều trị amidan mạn tính
Biện pháp dùng thuốc amidan và vệ sinh mũi cũng tương tự như viêm amidan cấp tính. Tuy nhiên, nếu phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả mà tình trạng viêm tái phát 6 lần trong một năm hoặc 3 lần mỗi năm trong 2 năm liền hoặc viêm amidan quá phát gây tắc nghẽn hoặc phối hợp với các nguy cơ khác như bệnh thấp tim, có bất thường giải phẫu trong hốc mũi... thì cần phải có chỉ định ngoại khoa.
Hiện nay, phương pháp cắt amidan được sử dụng khá rộng rãi và được coi là phương pháp chủ yếu để điều trị viêm amidan mạn tính ở trẻ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tổ chức amidan cũng có những tác dụng riêng của nó để bảo vệ cơ thể, chống lại các tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, chỉ định cắt amidan cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, chỉ cắt amidan khi nào nó thực sự trở thành một “lò viêm” gây phản ứng có hại đến cơ thể. Hoặc khi amidan quá to làm rối loạn hô hấp của trẻ (như có những cơn ngừng thở trong lúc ngủ, khó thở hay thở co kéo lồng ngực thường xuyên...).
Để phòng bệnh viêm amidan cho trẻ, cần đảm bảo môi trường sống xung quanh được trong lành, sạch sẽ. Giáo dục cho trẻ cách vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, không nên quá lạm dụng nhiều đồ ăn lạnh. Nâng cao sức khỏe cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm dinh dưỡng, vi chất, vitamin, kết hợp cho trẻ rèn luyện các hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi của trẻ... Khi cần dùng thuốc để điều trị bệnh, cần thiết phải tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc.