Dùng thuốc khi bị sốt: Những lưu ý không thể bỏ qua

03-01-2019 16:22 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Sốt là một triệu chứng rất dễ gặp trong mùa đông. Mặc dù đây là một đáp ứng có lợi của cơ thể với bệnh, giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch, nhưng khi bị sốt cao người bệnh bắt buộc phải sử dụng một số loại thuốc nhất định tùy theo nguyên nhân do vi khuẩn hay virut.

Trong quá trình này, người chăm sóc và bản thân người bệnh cần lưu ý những vấn đề thường gặp để việc điều trị đạt hiệu quả tối ưu.

Những thuốc thường dùng khi bị sốt

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sốt nhưng phổ biến nhất là nhiễm virut (cảm lạnh thông thường và cúm), nhiễm vi khuẩn (viêm xoang, nhiễm khuẩn tai, viêm phế quản, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm dạ dày - ruột...). Khi bị sốt, người bệnh có thể phải dùng những loại thuốc sau:

Thuốc hạ sốt: Paracetamol là thuốc hạ sốt phổ biến nhất hiện nay do có mức độ hiệu quả và an toàn cao, có thể sử dụng cho mọi đối tượng cũng như mọi lứa tuổi. Trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm dưới nhiều dạng bào chế khác nhau cho người bệnh lựa chọn. Ví dụ người lớn có thể dùng dạng viên, trẻ em thường dùng dạng hỗn dịch, dạng viên sủi sẽ cho tác dụng hạ sốt nhanh trong khi dạng viên đạn phù hợp cho các trường hợp không dùng được đường uống. Bên cạnh paracetamol, người bệnh cũng có thể sử dụng các thuốc chống viêm không steroid NSAID như ibuprofen, naproxen... để hạ sốt. Trong đó, ibuprofen được xem là an toàn nhất và được sử dụng khá phổ biến ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, thuốc này không phải là ưu tiên lựa chọn ở nước ta do đề phòng trường hợp sốt do nguyên nhân sốt xuất huyết. Ngoài ra, các NSAID cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như gây rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, nổi ban... Cần đặc biệt lưu ý không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em, đặc biệt là trong trường hợp sốt do virut vì nguy cơ hội chứng Reye - tuy hiếm gặp nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Thuốc kháng sinh: Hiện nay, tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi đang diễn ra trên toàn thế giới và cả ở nước ta. Sử dụng kháng sinh bừa bãi không chỉ gây hậu quả xấu đến sức khỏe người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Tình trạng đề kháng kháng sinh đang ngày càng tăng cao đặt ra thách thức cho ngành y tế. Do đó, chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp sốt có kèm tình trạng nhiễm khuẩn và được chỉ định bởi bác sĩ. Khi đó, kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn, là nguyên nhân gây ra sốt. Kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị sốt do cảm lạnh hay cúm.

Thuốc điều trị triệu chứng đi kèm: Thông thường ở bệnh nhân sốt sẽ có các triệu chứng đi kèm như ho, sổ mũi, ngạt mũi... Tùy tình trạng mỗi bệnh nhân mà bác sĩ hay dược sĩ sẽ sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng thích hợp. Hoặc để tiện lợi trong việc dùng thuốc, người bệnh thường sử dụng các chế phẩm thuốc phối hợp nhiều thành phần có tác dụng hạ sốt, giảm ho, giảm nghẹt mũi.

Dùng thuốc khi bị sốt cần thực hiện theo hướng dẫn để tránh quá liều hay kháng thuốc.

Dùng thuốc khi bị sốt cần thực hiện theo hướng dẫn để tránh quá liều hay kháng thuốc.

Lưu ý cần thiết để sử dụng thuốc an toàn

Với thuốc hạ sốt: Các thuốc hạ sốt thường là các “thuốc không kê đơn” khiến người bệnh nhầm lẫn rằng  có thể dùng sao cũng được. Vì vậy, nhiều trường hợp người bệnh mua thuốc hạ sốt dùng bừa bãi, dùng bất kể liều lượng gây ra những tai biến rất đáng tiếc. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau khi dùng thuốc hạ sốt.

Cần sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và khoảng cách: Ví dụ trong trường hợp sốt virut, thân nhiệt của trẻ hay người lớn luôn trong tình trạng cao, ngay cả khi đã uống thuốc hạ sốt. Do đó, người bệnh cần bình tĩnh, không được sốt ruột mà dùng thuốc liều cao hay khoảng cách giữa hai lần dùng thuốc quá ngắn sẽ gây nguy cơ quá liều. Để đảm bảo an toàn, cần tuân thủ khoảng cách giữa các lần dùng thuốc hạ sốt là 4-6 giờ đối với người lớn và 6-8 giờ đối với trẻ em. Về liều lượng, tránh sử dụng quá 10g với liều duy nhất ở người lớn và 150mg/kg trong một liều duy nhất ở trẻ em đối với paracetamol.

Không sử dụng phối hợp nhiều dạng bào chế của cùng một hoạt chất hạ sốt trong cùng một thời điểm. Trong các trường hợp sốt cao, nhiều bậc cha mẹ thường cho trẻ uống paracetamol viên, đồng thời sử dụng miếng dán có chứa paracetamol hạ sốt cho trẻ. Cách làm này có thể giúp trẻ hạ sốt tại thời điểm đó nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ quá liều do đưa đồng thời một lượng lớn paracetamol vào cơ thể.

Không sử dụng phối hợp nhiều thuốc có chứa cùng một hoạt chất hạ sốt. Việc sử dụng các thuốc phối hợp nhiều thành phần để điều trị đồng thời sốt và các triệu chứng khác của bệnh khá phổ biến do tính tiện lợi của nó. Tuy nhiên, các thuốc hạ sốt như paracetamol có mặt trong nhiều loại thuốc dẫn đến nguy cơ quá liều không chủ đích khi dùng đồng thời nhiều chế phẩm cùng chứa hoạt chất này. Do đó, cần đọc kỹ thành phần của thuốc trước khi uống để tránh tích lũy gây quá liều.

Ngừng sử dụng các thuốc hạ sốt và đi khám bác sĩ nếu vẫn sốt sau 3 ngày sử dụng. Sốt không phải là bệnh, sốt là một triệu chứng của bệnh. Mặt khác, thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng làm giảm nhiệt độ của cơ thể chứ không điều trị nguyên nhân gây ra sốt. Vì vậy, nếu vẫn sốt sau 3 ngày sử dụng thuốc, cần khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây ra sốt và có cách điều trị thích hợp.

Với trường hợp có sử dụng kháng sinh: Người bệnh cần dùng hết liệu trình theo sự kê đơn của bác sĩ. Rất nhiều bệnh nhân tự ý ngừng thuốc khi cảm thấy tốt hơn sau vài ngày sử dụng do tư tưởng uống “thuốc tây” nhiều sẽ hại người. Việc này sẽ gây “lờn thuốc” tức không còn tác dụng khi tái sử dụng lại kháng sinh đó. Thêm vào đó, việc ngừng thuốc kháng sinh cũng là nguyên nhân của hiện tượng kháng thuốc.


DS. Nguyễn Thị Thanh Hòa
Ý kiến của bạn