Hà Nội

Dùng thuốc khi bị đau họng, chảy nước mũi, ngạt mũi

24-02-2020 06:11 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Con gái tôi năm nay 10 tuổi. Mấy hôm nay, cháu kêu đau họng (nuốt nước bọt đau) và chảy nước mũi, đôi lúc cháu bị ngạt mũi.

Tuy nhiên, cháu không bị sốt. Mong bác sĩ tư vấn, tôi nên cho cháu dùng thuốc gì để trị các tình trạng này. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Thúy Liễu (Hà Nam)

Biểu hiện mà chị mô tả thường là bệnh viêm mũi họng. Đây là loại bệnh xuất hiện do một số tác nhân kích thích vào niêm mạc hệ thống đường hô hấp trên gây tổn thương niêm mạc mũi họng. Tùy theo tác nhân kích thích mà bác sĩ sẽ kê cho con chị các loại thuốc khác nhau. Ví dụ, nếu do lạnh kích thích thì chỉ dùng các thuốc giảm kích thích, ủ ấm, làm nóng vùng cổ bằng xoa dầu, súc họng nước muối loãng, ấm. Thuốc thường được sử dụng có chứa thành phần giảm đau, chống sung huyết và kháng dị ứng do thuốc làm giảm sự tổng hợp prostaglandine bằng cách ức chế hệ thống men cyclooxygénase.

Thuốc có tác dụng kháng histamin do ức chế lên thụ thể H1, nhờ đó làm giảm sự tiết nước mũi và chất nhờn ở đường hô hấp. Trực tiếp làm co mạch máu ở mũi và đường hô hấp, do đó làm giảm nghẹt mũi.

Nếu do nhiễm virus, con bạn sẽ được sử dụng các thuốc kháng virus, giảm viêm, tăng cường sức đề kháng và chống ngạt mũi bằng các thuốc co mạch tại chỗ (nếu là virus thông thường).

Biểu hiện này còn có thể do hiện tượng trào ngược, khi dịch acid của dạ dày đi ngược lên vùng mũi họng do ăn quá no hoặc do ăn những thức ăn không phù hợp, dịch acid này sẽ tác động lên hệ thống niêm mạc mũi họng gây đau, phù nề và tăng tiết dịch. Trường hợp này sẽ phải nằm gối cao đầu, uống các thuốc chống hiện tượng trào ngược và giảm dịch tiết dạ dày kết hợp với các thuốc kháng viêm tại chỗ làm sạch mũi, họng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay đang trong vụ dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19, khi con bạn xuất hiện các triệu chứng trên, bạn nên đưa con đến khám ở các cơ sở y tế để có tư vấn chính xác hơn và được điều trị kịp thời, đồng thời có các biện pháp làm giảm lây lan trong cộng đồng dù do bất cứ nguyên nhân nào.

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào


Ý kiến của bạn