Hà Nội

Dùng thuốc khi bị đau gót chân

23-08-2020 15:23 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đau gót chân là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau gây ra. Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ điều trị sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp.

Các bệnh lý gây đau gót chân

Thoái hóa thắt lưng: Có thể gây đau lan, tê buốt lan xuống chân dẫn đến tình trạng đau gót chân hoặc có kèm thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh dẫn đến đau gót chân. Trong tình trạng này có thể xác định chẩn đoán bằng thăm khám và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng.

Viêm điểm bám cân căng gan chân (gai xương gót): Rất hay gặp ở người trung tuổi. Bệnh thường được mô tả đau chói buốt, rõ nhất vào buổi sáng khi vừa ra khỏi giường bắt đầu bước đi khiến người bệnh phải đi kiễng gót. Tình trạng đau có thể cải thiện nhẹ sau khi đi lại một thời gian ngắn, nhưng cơ bản vẫn đau, khó đi thẳng gót. Nhiều trường hợp chụp Xquang thấy hình ảnh gai (vôi hóa) xương gót nên còn được chẩn đoán là gai xương gót. Bản chất của bệnh là tình trạng viêm gân (viêm điểm bám cân căng gan chân).

Viêm gân gót: Đau ở sau gót chân, có thể ở thân gân gót hoặc phần gân bám vào xương gót. Thường kèm theo sưng nề nhẹ, đôi khi có nóng đỏ nhẹ. Biểu hiện đau khi bước đi, khi duỗi cổ chân.

Đau khớp cổ chân: Đau gót chân kèm sưng nóng đau khớp cổ chân, nếu là nam giới thì cần loại trừ bệnh gout (nữ thường hiếm gặp), ngoài ra cũng cần chú ý bệnh lý khớp viêm, cần phải được khám, xét nghiệm để xác định chẩn đoán.

Dây chằng bị sưng có thể làm gót chân bị đau.

Dây chằng bị sưng có thể làm gót chân bị đau.

Lưu ý khi dùng thuốc

Các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid như: Diclofenac, meloxicam, celecoxib, etoricoxib... cần thận trọng nếu bệnh nhân có bệnh lý viêm loét đường tiêu hóa, hen phế quản, bệnh lý tim mạch.

Có thể phối hợp thêm các thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen (paracetamol) hoặc các thuốc giảm đau phối hợp như paracetamol kết hợp với codeine, paracetamol phối hợp với tramadol cho tác dụng giảm đau nhanh mạnh hơn. Tuy nhiên các thuốc này cần hết sức thận trọng khi sử dụng cho những người suy gan, thận.

Có thể phối hợp thêm các thuốc giãn cơ như myonal, mydocalm, decontractyl...

Đối với tình trạng đau do chèn ép thần kinh có thể phối hợp thêm các thuốc điều trị đau thần kinh như gabapentin, pregabalin. Khi dùng các thuốc này người bệnh có thể bị chóng mặt, buồn nôn, nôn... Nếu gặp các triệu chứng này người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để bác sĩ có hướng xử trí phù hợp.

Nếu nghi ngờ triệu chứng đau gót chân do gout hoặc đã có tiền sử bị bệnh gout trong đợt đau cấp có thể dùng thêm thuốc điều trị gout như colchicine. Khi dùng thuốc này bệnh nhân cần cảnh giác với tác dụng phụ gây tiêu chảy của thuốc. Sau đợt cấp, một số thuốc có tác dụng kiểm soát acid uric trong bệnh gout cần duy trì sử dụng như allopurinol. Tuy nhiên thuốc này cần dùng thận trọng đối với người suy gan, thận. Hiện nay thuốc febuxostat là lựa chọn tốt cho các đối tượng bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị với các thuốc kiểm soát acid uric khác, bệnh nhân suy thận, bệnh nhân có nguy cơ cao dị ứng allopurinol.

Có thể sử dụng một số thuốc kháng viêm bôi xoa tại chỗ như voltaren cream, fastumgel... Khi dùng các thuốc bôi xoa này người bệnh có thể bị dị ứng da. Nếu có biểu hiện này cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết và có hướng xử trí kịp thời.

Nhìn chung không nên dùng các loại thuốc có tính chất nóng như các loại dầu cao, cồn rượu...Người bệnh có thể chườm, ngâm nước lạnh, có tác dụng co mạch giảm viêm đau. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng miếng đệm gót, nịt cổ chân để giảm đau.

Tóm lại để xác định đúng bệnh và điều trị hiệu quả, an toàn chứng đau gót chân, người bệnh nên đến khám và điều trị tại các bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp.


BS. Phạm Quang Thuận
Ý kiến của bạn