Hà Nội

Dùng thuốc kháng histamin điều trị dị ứng sao cho hiệu quả?

15-04-2022 09:56 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc kháng histamin là một nhóm thuốc quan trọng được sử dụng phổ biến trong điều trị các triệu chứng dị ứng... Vậy tác dụng của thuốc như thế nào và dùng sao cho an toàn?

Lưu ý khi dùng thuốc kháng histamin điều trị dị ứngLưu ý khi dùng thuốc kháng histamin điều trị dị ứng

SKĐS - Trong tiết trời chuyển mùa sang thu, khí hậu nóng lạnh thất thường là điều kiện thuận lợi cho chứng bệnh dị ứng phát triển.

1. Thuốc kháng histamin điều trị dị ứng hoạt động như thế nào?

Thuốc kháng histamin là một trong các thuốc điều trị dị ứng.  Histamin là một hóa chất trung gian đóng vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng và sốc phản vệ. Nó có mặt ở khắp các mô trong cơ thể nhưng phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở da, phổi, niêm mạc miệng, dạ dày. Khi phản ứng dị ứng xảy ra, các dị nguyên sẽ tác động lên phức hợp protein, giải phóng histamin đến gắn với các thụ thể H1 tại tế bào đích, gây ra sự gia tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch từ mao mạch vào các mô. Từ đó, lâm sàng sẽ biểu hiện các triệu chứng dị ứng bao gồm ngứa, phát ban, nổi mề đay, sổ mũi, ho, buồn nôn… nghiêm trọng hơn có thể gây sốc phản vệ.

Thuốc kháng histamin H1 có cấu trúc hóa học tương tự histamin, do vậy, thuốc cạnh tranh và đẩy histamin ra khỏi receptor H1, từ đó, kìm hãm các tác dụng của histamin gây ra.

photo-1649945627445

Các phản ứng của hệ miễn dịch gây viêm da, xoang, đường thở…

Trên thị trường hiện đang lưu hành nhiều chế phẩm thuốc kháng histamin H1, song nhìn chung có thể chia thành 2 loại: Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 và thế hệ 2.

photo-1649945629902

Sử dụng thuốc kháng histamin cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.

2.1 Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1

Điển hình là chlorpheniramine, diphenhydramine, promethazine, hydroxyzin… Đây là các thuốc kháng histamin cổ điển, có khả năng tan trong mỡ tốt nên dễ dàng xâm nhập qua được hàng rào máu não gây tác dụng an thần, buồn ngủ. 

Thuốc có tác dụng ức chế thần kinh trung ương ngay ở liều điều trị, làm chậm chạp, mơ màng, giảm sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, khả năng kháng cholinergic của thuốc còn gây ra những tác dụng không mong muốn như khô miệng, hầu họng, táo bón, bí tiểu, tăng nhãn áp đặc biệt ở người bệnh glaucoma góc đóng,…Thuốc có thời gian tác dụng ngắn nên cần dùng nhiều lần trong ngày.

2.2 Thuốc kháng histamin thế hệ 2

Các thuốc histamin thế hệ 2 (cetirizine, levocetirizine, loratadine, fexofenadine, terfenadine và astemizol…) khó qua được hàng rào máu não nên không có tác dụng an thần, ít gây tác dụng phụ buồn ngủ hơn thế hệ 1. Tuy nhiên, khi dùng liều cao terfenadine và astemizol có thể làm kéo dài khoảng QT, gây xoắn đỉnh, đặc biệt khi phối hợp với kháng sinh nhóm macrolide (erythromycin, clarithromycin…), các thuốc kháng nấm imidazole…

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamin

3.1.Thuốc không điều trị được nguyên nhân

Thuốc kháng histamin chỉ điều trị triệu chứng dị ứng (ngứa, sổ mũi, nổi mề đay…) mà không điều trị được tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Do đó, điều quan trọng là phải xác định và loại trừ tác nhân gây dị ứng mới có thể chữa dứt bệnh, hạn chế tái phát.

3.2 Không dùng trong trường hợp công việc cần sự tỉnh táo

Những thuốc kháng histamin thế hệ cũ như chlorpheniramin maleat có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, do đó, không nên dùng thuốc với các trường hợp công việc yêu cầu sự tỉnh táo như lái tàu xe, làm việc trên cao… Bên cạnh đó, trong lúc dùng thuốc, cần tránh uống rượu do rượu có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc, đồng thời cần lưu ý chặt chẽ khi kết hợp các thuốc an thần với kháng histamin.

Trên lâm sàng, có thể lợi dụng tác dụng gây buồn ngủ của thuốc kháng histamin thế hệ 1 như là chỉ định chính trong trường hợp mất ngủ. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn để tránh tình trạng lệ thuộc thuốc. Cần lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ, không được dùng kéo dài, vì có thể gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ của trẻ.

3.3 Hướng dẫn sử dụng thuốc với từng dạng bào chế phù hợp

Nên uống thuốc cùng với thức ăn hoặc một ly sữa để giảm bớt kích ứng dạ dày. 

Nếu dùng dạng viên nén phóng thích kéo dài, người bệnh cần nuốt cả viên thuốc nguyên vẹn mà không phá vỡ, nghiền nát hoặc nhai trước khi nuốt để bảo toàn hiệu quả của thuốc.

Một số thuốc dạng lỏng hay dạng xịt, gel thì có thể đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, không đặt trong tủ đóng băng. 

Cần chú ý thời hạn sử dụng thuốc kể từ khi mở nắp, đặc biệt là các dạng thuốc dùng tại chỗ như nhỏ mắt, mũi để tránh lây nhiễm.

3.4 Một số lưu ý trên các đối tượng đặc biệt

Phụ nữ có thai: Những biện pháp can thiệp không dùng thuốc luôn được cân nhắc trước tiên đối với phụ nữ mang thai có các triệu chứng của dị ứng. Có khoảng 20-30% phụ nữ có thai bị các tình trạng dị ứng cần sử dụng kháng histamin. 

Mặc dù ngứa không gây nguy hiểm tính mạng nhưng dị ứng có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của mẹ, từ đó ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Chlorpheniramine là thuốc kháng histamine thế hệ 1 được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai do có nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích vượt trội nguy cơ. Một số thuốc kháng histamin thế hệ 2 như cetirizine, levocetirizine, loratadine cũng có thể được sử dụng do ít có tác dụng an thần và kháng cholinergic. Cả 3 thuốc này đều được FDA phân loại nhóm B, thường được cho là an toàn với liều khuyến cáo. Tuy vậy, không nên sử dụng liều tối đa và phối hợp kháng histamin trên phụ nữ có thai vì có khả năng làm tăng nguy cơ dị tật ở thai nhi.

Phụ nữ cho con bú nên sử dụng kháng histamin thế hệ 2 như loratadine, desloratadine, fexofenadine vì thuốc ít bài tiết qua sữa mẹ và ít gây ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa.

 Khi sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1 ở phụ nữ cho con bú, liều thấp có thể không có tác dụng phụ, tuy nhiên, liều lớn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn ở trẻ như kích thích, chóng mặt, tăng nhu động ruột, liều cao gây ức chế tiết sữa.

Trẻ dưới 1 tuổi không được tự ý dùng thuốc kháng histamin trị sổ mũi vì có thể tăng nguy cơ xuất hiện một số biến chứng ở đường hô hấp như suy hô hấp và ngừng thở, đồng thời làm dày niêm mạc mũi, nguy hiểm hơn có thể gây ngộ độc do các chức năng và cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện.

3.5. Một số đối tượng người bệnh không nên sử dụng thuốc kháng histamin

Liên quan đến tác dụng kháng cholinergic, các thuốc kháng histamin thế hệ cũ như chlorpheniramine, dexchlorpheniramine làm giãn nở con ngươi, tăng độ hẹp của góc con ngươi và giác mạc, làm nặng thêm tình trạng tăng nhãn áp góc đóng. Do đó, không dùng thuốc cho người bệnh glaucoma góc hẹp.

Thuốc có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu do tác dụng phụ chống tiết acetylcholin, đặc biệt ở người phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị tá tràng và làm trầm trọng thêm ở bệnh nhân nhược cơ.

Mời bạn đọc xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

DS. Phạm Thị Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn