Nữ giới bị stress, mất ngủ, trầm cảm, tâm thần phân liệt... nhiều hơn nam. Lý do: Não bộ nữ có một số kết cấu khác, nên có tính trực giác, dễ nhạy cảm; trong đời có nhiều giai đoạn chuyển biến sinh lý (kinh nguyệt, có thai, sinh đẻ, mãn kinh) có những xáo trộn lớn về hormon; lại thường bị nhiều áp lực (công việc, nội trợ, nuôi dưỡng con cái, phụng dưỡng cha mẹ, trục trặc trong đời sống vợ chồng...). Vì vậy, nữ dùng các thuốc hướng thần nhiều hơn và cũng cần thận trọng hơn.
Thuốc an thần, gây ngủ:
Phenobarbital: Ức chế hệ thần kinh trung ương. Cùng một liều, gây ức chế rất mạnh tế bào thần kinh trung ương, nhưng lại ít hoặc không đáng kể tế bào xương, tim, cơ trơn; có tính hồi phục, mức hồi phục lệ thuộc vào liều.
Phenobarbital thấm qua nhau thai. Nhóm có thai bị động kinh dùng thuốc thì trẻ sinh ra có tỷ lệ dị tật cao gấp 3 - 4 lần so với nhóm không dùng. Nguy cơ càng cao nếu dùng mà vẫn không cắt được cơn động kinh. Không nên dùng chữa động kinh khi có thai. Nếu không có thuốc thay thế tốt hơn mà buộc phải dùng thì cho liều vừa đủ để cắt được cơn động kinh mà ít hại thai. Người có thai không bị động kinh nếu dùng thuốc gây ngủ vào cuối thai kỳ, hiếm thấy dị tật cho thai, nhưng trẻ sơ sinh có thể bị lệ thuộc thuốc, xuất huyết, suy hô hấp. Không dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ đặc biệt cho người tiên đoán có thể phải sinh non (vì thuốc rất nhạy cảm với trẻ sinh thiếu tháng).
Phenobarbital bài tiết vào sữa mẹ (nồng độ trong sữa cao hơn trong máu mẹ). Ở trẻ thuốc thải trừ rất chậm, tích lũy, gây ức chế thần kinh, hô hấp. Không dùng cho người cho con bú... Nếu không có thuốc thay thế tốt hơn mà buộc phải dùng, thì chỉ dùng liều thấp và theo dõi nồng độ thuốc ở trẻ.
Benzodiazepin: Gồm nhiều biệt dược, thường dùng seduxen. Là thuốc an thần dùng khi bị lo âu bồn chồn, không nên lạm dụng cho mọi trường hợp mất ngủ khác (dù liều cao vẫn gây ngủ). Thuốc đi qua nhau thai, dùng kéo dài sẽ làm hạ huyết áp, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, hạ thân nhiệt, gây “hội chứng cai thuốc” ở trẻ sơ sinh và cũng có thể gây sứt môi, khuyết tật hệ thần kinh trung ương, rối loạn ứng xử cho trẻ. Hạn chế dùng khi có thai. Nếu vì không có thuốc thay thế mà phải dùng, thì chỉ dùng liều vừa đủ, đặc biệt không được dùng kéo dài.
Meprobamat: Là thuốc làm trấn tĩnh, an thần nhẹ, thư giãn cơ. Chưa ghi nhận trường hợp gây hại thai. Có thể dùng khi có thai, nhưng không nên lạm dụng.
Thuốc chữa tâm thần phân liệt:
Chlopromazin (aminazin): Là thuốc chữa tâm thần phân liệt cấp miễn phí trong cộng đồng. Nó gây hiện tượng ngoại tháp (rối loạn vận động và phối hợp vận động, đi lại khó khăn, dễ bị ngã, sờ vào vật gì cũng lóng ngóng, nhai chậm, nói chậm từng tiếng một, không lưu loát...). Dùng vào 3 tháng cuối thai kỳ, thuốc gây hại thần kinh cho thai, gây ngoại tháp cho trẻ sơ sinh; các rối loạn này có khi được phục hồi nhưng có khi rất nặng. Thuốc tiết vào sữa gây hại cho trẻ. Người bị tâm thần phân liệt phải dùng thuốc từng đợt dài, có khi bệnh ổn định tạm ngừng thuốc. Cần bàn với thầy thuốc, xác định lịch có thai lúc bệnh ổn định. Không dùng cho người ở 3 tháng cuối thai kỳ, người cho con bú.
Lithium carbonat: Đặc trị rối loạn lưỡng cực. Thuốc gây dị tật cho tim vào tháng thứ 4-5 của thai kỳ. Trước đây, chống chỉ định cho người có thai, nay vẫn cho dùng song phải theo dõi nồng độ thuốc hàng tháng, rồi hàng tuần vào cuối thai kỳ.
Thuốc trầm cảm
Có nhiều dạng (trầm cảm, hưng trầm cảm, rối loạn ưu tư lan rộng, ám ảnh - bức bách...), mức nặng nhẹ khác nhau ở từng người và ngay ở một người trong từng thời kỳ, hay vào các thời điểm trong ngày. Các chuyển biến sinh lý làm thay đổi dạng, mức bệnh. Có khi dùng thuốc suốt đời, có khi chỉ dùng từng đợt cho đến mức ổn định, cũng có khi khỏi hẳn.
Thuốc sẽ đi vào thai và tiết vào sữa. Thai nhi và trẻ vốn không bị bệnh, khi chịu các tác động này của thuốc, sẽ phát sinh các rối loạn nguy hiểm, ví dụ:
Thuốc trầm cảm 3 vòng: Thường dùng amitriphtylin, doxepin, imipramin. Chưa thấy gây quái thai, dị tật thai nhưng gây cho mẹ một số triệu chứng kháng cholinergic như: khô miệng, buồn nôn, táo bón; nhịp nhanh, hạ hay tăng huyết áp, tăng tiết mồ hôi, phát ban; nhức đầu, chóng mặt, lú lẫn; nhìn mờ, tăng áp lực nội nhãn, thay đổi glucose huyết, tăng tiết sữa. Các tác dụng phụ này sẽ gây hại cho thai, cho trẻ bú mẹ.
Thuốc ức chế thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI). Chưa thấy SSRI cũ hay mới (như prozac, paroxetin, zoloft) gây quái thai, dị tật thai. Riêng zoloft có mối liên hệ với dị tật thoát vị rốn, thông vách tim; paroxetin gây nên hiện tượng “quen thuốc” (khi sinh ra trẻ dễ bị kích động rối loạn, trương lực cơ, khó khăn trong bú sữa, rối loạn giấc ngủ, ói mửa, có khi bị co giật hay suy hô hấp). Thuốc có tác dụng phụ cho mẹ như nhóm trầm cảm 3 vòng và gây hại cho thai và trẻ. Song SSRI ít độc hơn trầm cảm 3 vòng.
Thuốc IMAO: Thuốc gia tăng dẫn truyền thần kinh do ức chế MAO (monoamin-oxydase) nên chống trầm cảm. Tuy nhiên MAO lại có trong các bộ phận khác, việc ức chế MAO sẽ hại cơ thể. Ví dụ: ức chế MAO sẽ giải phóng ra tyramin, chất này gây tăng huyết áp, nhức đầu dữ dội. Khi đã gây ra sự ức chế MAO có hại trên, thì phải ít nhất sau khi ngừng thuốc 14 ngày, cơ thể mới phục hồi. Chỉ dùng khi thật cần, có theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.
Về nguyên tắc, không dùng thuốc trầm cảm khi có thai. Người bị trầm cảm vẫn có thể sinh để được nhưng bàn với thầy thuốc để có thai vào thời điểm thích hợp (bệnh ổn định, không phải dùng thuốc). Nếu lỡ có thai mà bị trầm cảm thì thầy thuốc chọn tâm lý liệu pháp, chỉ khi thất bại mới cho dùng thuốc (chọn thuốc ít hại, hạn chế liều lượng, thời gian dùng) báo trước cho người bệnh hay người nhà các bất lợi có thể xảy ra.
DS. Bùi Văn Uy