Dùng thuốc giảm đau tức ngực do bệnh cơ xương như thế nào?

07-12-2019 14:51 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi 44 tuổi. Thời gian gần đây tôi cảm thấy hay bị đau tức ngực. Huyết áp của tôi vẫn ở chỉ số bình thường.

Đi khám bác sĩ chẩn đoán tôi bị đau tức ngực do bệnh cơ xương và cho dùng thuốc giảm đau. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi rõ hơn về việc dùng thuốc giảm đau này? Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Thị Lan (Vĩnh Phúc)

Đau tức ngực do bệnh cơ xương xảy ra khi cơ hoặc sụn ở xương sườn bị viêm. Nếu bạn làm các nhóm cơ ở vùng ngực kéo căng ra, cơn đau có thể lan ra đến cánh tay hoặc cổ và diễn biến cơn đau có thể bị nhầm lẫn với đau ngực do bệnh tim. Đây là loại đau ngực xảy ra đột ngột và tiếp tục tăng lên khi có vận động cơ ngực hoặc gắng sức hô hấp. Bạn cũng có thể cảm thấy đau nhói ở ngực khi ấn tay vào khu vực bị đau.

Thông thường việc điều trị đau ngực do bệnh cơ xương bao gồm chườm nước nóng, dùng thuốc chống đau giảm viêm và nghỉ ngơi. Bạn không nói rõ bác sĩ cho bạn dùng thuốc giảm đau nào nên không thể tư vấn cụ thể, nhưng các thuốc giảm đau chống viêm thường dùng, bao gồm: Paracetamol (acetaminophen) là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường, được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa; và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, indometacin, naproxen, piroxicam, diclofenac, ketoprofen hay parecoxib, celecoxib, rofecoxib… Đây là một trong những loại thuốc được sử dụng khá phổ biến trong các bệnh cơ xương khớp như viêm khớp, bệnh gút, thoái hoá khớp, viêm cơ...

Tuy nhiên, khi dùng các thuốc giảm đau này cần lưu ý tới các tác dụng phụ có thể xảy ra như đối với paracetamol là sẩn ngứa và mày đay, phù thanh quản, phù mạch, có thể gây độc cho gan nhất là khi dùng liều cao, kéo dài, tránh hoặc hạn chế uống rượu khi dùng thuốc. Đối với các thuốc NSAID, các bất lợi có thể từ nhẹ như kích ứng dạ dày đến nghiêm trọng bao gồm cả viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày và ruột, buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng dữ dội, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, lên cơn hen, choáng váng, chóng mặt…

Bạn cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn. Trong quá trình dùng thuốc cần nhận biết được những bất lợi trên, kịp thời thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí thích hợp, kịp thời.

BS. Thiện Trí


Ý kiến của bạn