Hà Nội

Dùng thuốc giảm đau trong bệnh thần kinh ngoại biên

27-10-2019 09:55 | Dược
google news

SKĐS - Bệnh thần kinh ngoại biên rất thường gặp và gây đau đớn cho người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh này, trong đó thường gặp các rối loạn nội tại hoặc do hậu quả thứ phát của bệnh hệ thống. Việc sử dụng thuốc như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Dấu hiệu và triệu chứng

Triệu chứng rối loạn cảm giác có thể gồm mất cảm giác, cảm giác bất thường, đau, tê. Các triệu chứng dị cảm gồm ngứa râm ran, đau nhói, cảm giác “tê như kim chích” hay nóng bỏng. Dị cảm thường không đau nhưng có thể gây khó chịu cho bệnh nhân. Loạn cảm là cảm giác bất thường không dễ chịu, có thể xảy ra tự phát hay gây ra do một kích thích và thường không đau.

Triệu chứng thiếu sót vận động là sự suy giảm vận động xảy ra với tổn thương dây thần kinh ngoại biên, bao gồm sự yếu của các cơ được dây thần kinh phân bố. Khi mắc bệnh, người bệnh có thể gặp khó khăn trong thực hiện các công việc vận động tinh tế. Yếu cơ vận động ngọn chi còn gây ra tình trạng làm rơi bàn chân thứ phát, dẫn đến bệnh nhân bị dáng đi gọi là “dáng đi chân rủ”, do đầu gối và hông phải gập thái quá để ngăn không cho các ngón chân va vào mặt đất.

Triệu chứng mất các phản xạ gân xương điển hình xảy ra trước khi bắt đầu yếu cơ vận động.

Các triệu chứng của rối loạn chức năng thần kinh thực vật gồm hạ huyết áp tư thế và ngất. Các bệnh nhân có rối loạn chức năng thần kinh thực vật có thể bị tụt huyết áp tư thế đứng, rối loạn tiết mồ hôi, các đầu chi có thể lạnh hoặc các rối loạn chức năng bàng quang, ruột; liệt cương dương ở nam giới...

Thuốc nào điều trị?

Để dùng thuốc đúng, khi gặp các triệu chứng nêu trên, người bệnh cần sớm đi khám tại chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân. Khi nguyên nhân gây bệnh được điều trị, có thể phòng ngừa được sự tiến triển và giúp hạn chế tình trạng bệnh dây thần kinh. Ngoài điều trị căn nguyên gây bệnh, thì nguyên tắc điều trị chung bệnh này bao gồm chăm sóc nâng đỡ và điều trị triệu chứng đau của bệnh dây thần kinh.

Dùng thuốc giảm đau trong bệnh thần kinh ngoại biênNgười bệnh thần kinh ngoại biên thường phải kết hợp nhiều loại thuốc để giảm đau nên cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trong bệnh thần kinh ngoại biên, triệu chứng đau thường làm bệnh nhân khó chịu nhất nên thường tìm đến các thuốc giảm đau. Nhưng việc điều trị triệu chứng đau do bệnh dây thần kinh bằng nội khoa thường khó khăn mà hiệu quả ít. Các loại thuốc giảm đau đơn thuần gồm acetaminophen và các NSAID thường không có tác dụng. Nếu điều trị bằng thuốc có gốc á phiện thì cũng chỉ có hiệu quả một phần, hơn nữa hiện nay các nhà khoa học vẫn còn chưa thống nhất được quan điểm giữa lợi và hại khi dùng nhóm thuốc này trong điều trị giảm đau do bệnh thần kinh ngoại biên. Do đó, nhóm thuốc này chỉ được bác sĩ kê đơn khi các phương pháp khác thất bại. Chính vì việc sử dụng thuốc giảm đau phức tạp như vậy, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc giảm đau về sử dụng, vừa không có tác dụng như mong muốn mà còn bị ảnh hưởng do tác dụng phụ bất lợi do thuốc gây nên.

Hiện nay, biện pháp điều trị giảm đau được sử dụng thường là toa thuốc hỗ trợ, gồm thuốc chống trầm cảm và chống co giật. Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể làm giảm đau do rối loạn cảm giác, nóng bỏng và cải thiện được giấc ngủ. Các thuốc amitriptyline, nortriptyline hay desipramine thường được dùng với các liều khởi đầu nhỏ sau đó tăng dần đến mức dung nạp. Tác dụng phụ gồm buồn ngủ thường ở liều giới hạn, nên thận trọng khi dùng cho bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân bị loạn nhịp tim. Các thuốc chống co giật giúp giảm đau tốt nhất là carmabazepine và gabapetin. Carbamazepine được kê đơn trong trường hợp đau buốt, đau nhói xảy ra từng cơn. Gabapentin có hiệu quả trong các rối loạn đau do bệnh dây thần kinh khác nhau. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra hiệu quả khi điều trị với lamotrigine và topiramate... Thuốc thoa với kem capsaicin có thể gây cảm giác nóng lúc đầu tại vùng thoa kem và sau khi dùng đều đặn có thể làm giảm đau.

Triệu chứng hạ huyết áp tư thế trong bệnh này có thể được cải thiện bằng biện pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Các loại tất thun dài, tốt nhất là cao đến thắt lưng có thể phòng ngừa được bệnh ở tư thế đứng. Thuốc được sử dụng là fludrocortisone. Tuy nhiên, khi uống thuốc này, bệnh nhân có thể gặp nguy cơ tăng huyết áp khi ngủ ở vị trí nằm ngửa. Do đó, không nên uống thuốc dưới 4 tiếng trước khi ngủ. Bệnh nhân không nên nằm ngủ ở tư thế nằm thẳng ra để tránh đỉnh áp huyết vào ban đêm...

Chú ý: Người bệnh mắc bệnh thần kinh ngoại biên có thể mất cảm giác ở đầu chi, làm tăng nguy cơ chấn thương (bỏng, bị trầy xước...) mà không nhận  biết được, do đó cần phải phòng ngừa chấn thương do nhiệt bằng cách dùng phần không bị tổn thương để kiểm tra nhiệt độ của nước, cài đặt nhiệt độ của máy nước nóng để tránh bỏng. Tránh các chấn thương nhỏ (do vấp, giày dép...), da và móng tay/chân phải được chăm sóc tỉ mỉ.


ThS.BS. Quang Dũng
Ý kiến của bạn