Táo bón là tình trạng khi một người có ít hơn 3 lần đi đại tiện một tuần hoặc gặp khó khăn khi đi đại tiện do phân cứng và khô. Mỗi người có đặc điểm đại tiện khác nhau. Với một người thường đi cầu 2 lần/ ngày thì việc đi 5 lần/tuần là sự thay đổi đột ngột và có thể chỉ điểm táo bón. Với một người thường có phân lỏng, thì việc phân trở nên rắn và đau khi đi đại tiện có thể là dấu hiệu của táo bón.
Opioid gây táo bón như thế nào?
Táo bón do opioid (opioid-induced constipation: OIC) là tác dụng không mong muốn thường gặp và dai dẳng nhất ở khoảng 40% bệnh nhân sử dụng opioid. Các thuốc opioid thuộc nhóm thuốc kê đơn và thường được thầy thuốc chỉ định trong điều trị giảm đau do chấn thương hay phẫu thuật và trong các bệnh lý mạn tính như ung thư... Ngoài tác dụng giảm đau, opioid còn kích thích thụ thể µ (muy) trên hệ thần kinh ruột, từ đó dẫn đến giảm tốc độ làm rỗng dạ dày, tăng hấp thu nước ở ruột và nhu động cơ vòng. Những tác động trên dẫn đến tình trạng táo bón và hạn chế trong việc tiếp tục điều trị opioid.
Dạng dùng opioid qua da ít gây tình trạng táo bón hơn so với dạng đường uống. Sử dụng liều cao và thường xuyên opiod cũng có mối liên quan chặt chẽ với tỉ lệ mắc OIC cao hơn. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác của OIC bao gồm tuổi cao và đau liên quan đến ung thư.
Thất bại trong việc phòng ngừa, nhận biết và điều trị táo bón do opioid có thể là thách thức trong điều trị giảm đau bằng opioid. Hậu quả dẫn đến là giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, tăng chi phí điều trị và có thể dẫn đến ngưng hoặc thay đổi phác đồ điều trị.
Thuốc giảm đau opioid dễ gây táo bón.
Làm gì để ngăn ngừa?
Nên sử dụng biện pháp không dùng thuốc trong phòng ngừa và điều trị ban đầu OIC. Có nhiều cách để có thể dự phòng táo bón khi dùng thuốc opioid. Trước tiên, không nên dùng nhiều thuốc hơn cần thiết vì liều cao hơn có thể làm tăng nguy cơ táo bón. Cố gắng giữ cơ thể đủ nước là điều quan trọng nhất trong việc dự phòng táo bón. Uống thuốc với thật nhiều nước và tiếp tục uống nước trong ngày. Khuyến cáo uống 2 lít nước một ngày có thể không đủ nếu bạn đang dùng thuốc opioid. Tránh đồ uống chứa caffein do chúng làm tăng mất nước và chống lại nỗ lực tăng lượng nước nạp vào của bạn.
Ăn uống cũng rất quan trọng bởi những gì bạn ăn có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ táo bón. Ngoài ra, việc đánh giá chế độ dùng thuốc opioid và sử dụng thuốc giảm đau hỗ trợ nhằm giảm liều opioid cũng đóng vai trò quan trọng.
Điều trị OIC như thế nào?
Trong những trường hợp cần tiếp tục sử dụng opiod, mà táo bón tăng nặng, người bệnh nên ưu tiên điều trị OIC bằng thuốc nhuận tràng.
Bisacodyl (thuốc nhuận tràng tăng kích thích nhu động ruột) là thuốc được nghiên cứu thường xuyên trong các thử nghiệm lâm sàng nhưng một số thuốc nhuận tràng kích thích khác (senna) hoặc thuốc nhuận tràng thẩm thấu (polyethylene glycol) vẫn có hiệu quả tương đương. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu ít gây chuột rút hơn so với những thuốc nhuận tràng khác và được lựa chọn ưu tiên trong điều trị ban đầu OIC. Thuốc làm mềm phân không làm tăng nhu động ruột và ít phù hợp hơn trong điều trị OIC so với những thuốc ở trên. Tuy nhiên, thuốc làm mềm phân (dầu khoáng) vẫn được khuyến cáo.
Có nhiều loại thuốc không theo đơn hoặc theo đơn có thể điều trị táo bón nhưng nếu người bệnh đã từng phẫu thuật, thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Việc uống quá nhiều thuốc hoặc điều trị quá đà có thể gây co thắt, đau, tiêu chảy.
Táo bón kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Nếu không được điều trị, táo bón có thể dẫn đến các biến chứng như bệnh trĩ, vón phân hoặc tắc ruột. Do đó, cần thực hiện việc thay đổi lối sống, áp dụng biện pháp không dùng thuốc và việc sử dụng thuốc nhằm xử trí táo bón ở bệnh nhân đang điều trị giảm đau bằng opioid.