Dùng thuốc gì trị tiêu chảy do vi khuẩn C.difficile?

31-07-2022 10:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Vi khuẩn Clostridioides difficile (C.difficile) có thể gây tiêu chảy. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nguy hiểm.

Tiêu chảy: Nguyên nhân và các nhóm thuốc điều trịTiêu chảy: Nguyên nhân và các nhóm thuốc điều trị

SKĐS - Tiêu chảy là một trong những loại bệnh phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng dễ bùng phát nhất vào mùa hè nắng nóng. Biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy là mất nước. Tiêu chảy nặng có thể đe dọa tính mạng, vì vậy cần hết sức thận trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người già.

1. Vi khuẩn C.difficile là gì?

Clostridium difficile (C.difficile) là vi khuẩn Gram dương, kỵ khí, dạng bào tử (sinh nha bào) tồn tại trong đất, nước, không khí, ruột, phân động vật và người. C.difficile có thể lây từ người sang người, qua đường phân miệng hoặc tiếp xúc trực tiếp môi trường bị nhiễm C.difficile.

C.difficile có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là ruột kết. Vi khuẩn này khiến người bệnh có thể bị tiêu chảy, viêm ruột, thậm chí tử vong. Đây là vi khuẩn hội sinh không gây bệnh, có ở 2-3% dân số trưởng thành. Ở một số bệnh nhân được kê kháng sinh, C.difficile là nguyên nhân hàng đầu gây ra tiêu chảy do kháng sinh.

photo-1659087931008

Tiêu chảy do vi khuẩn C.difficile có thể gây tử vong.

2. Những ai có nguy cơ nhiễm C.difficile?

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc vi khuẩn C.difficile, bao gồm: Bệnh nhân nhập viện, sử dụng kháng sinh lâu ngày trước đó, tiếp xúc với người mắc vi khuẩn này. Người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng cao hơn.

Người bệnh có khả năng nhiễm và lây truyền C.difficile từ người tiếp xúc với C.difficile mà chưa từng nhập viện, hoặc tự sử dụng kháng sinh.

3. Tiêu chảy do C.difficile được điều trị như thế nào?

3.1. Thuốc kháng sinh

Các thuốc dùng trong điều trị C.difficile thường là kháng sinh: Metronidazole, vancomycin, fidaxomicin. Trong đợt C.difficile đầu tiên, vancomycin và fidaxomicin được khuyên dùng thay vì metronidazole. Ở những nơi vancomycin hoặc fidaxomicin bị hạn chế thì có thể thay thế bằng metronidazole cho đợt C.difficile ban đầu không nghiêm trọng.

Một số thuốc khác được sử dụng trong các đợt điều trị C.difficile bao gồm: Globulin, teicoplanin, surotomycin, cadazolid, bezlotoxumab…

Tùy vào từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh loại thuốc cho phù hợp.

photo-1659087933952

Kháng sinh được ưu tiên trong điều trị tiêu chảy do C.difficile.

3.2. Thuốc hạ sốt

Trong trường hợp bệnh nhân có kèm sốt trên 38,5 độ C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol với liều dùng 10-15mg/kg/ lần. Lưu ý không dùng quá 4-6 lần/ngày.

3.3. Bù nước và điện giải

Để hạn chế tình trạng mất nước do tiêu chảy, có thể dùng oresol. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng theo hướng dẫn ghi trên nhãn hoặc chỉ định của bác sĩ.

3.4. Có nên dùng probiotics?

Không có khuyến cáo uống men vi sinh hoặc sữa chua để ngăn ngừa C. difficile, tuy nhiên, những cách này giúp đưa vi khuẩn có lợi vào đường ruột.

3.5. Cấy vi sinh vật

Một phương pháp triển vọng để điều trị C. difficile, đặc biệt dành cho những bệnh nhân không được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh là cấy hệ vi sinh vật trong phân từ người khỏe mạnh vào người mắc C.difficile. Cấy phân bằng quá trình nội soi qua miệng hoặc nội soi ruột kết hoặc ở dạng thuốc viên đông lạnh...

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy do C. difficile

Mục tiêu chính của thuốc kháng sinh hướng đến C. difficile là loại bỏ C. difficile và hạn chế sự xáo trộn của các loại vi khuẩn khác. Nếu không tuân phủ phác đồ có thể phá vỡ hệ vi sinh vật khác trong cơ thể, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

C. difficile gần đây đã trở nên khó điều trị hơn bằng kháng sinh thông thường vì một số lý do, bao gồm gia tăng thất bại trong điều trị với metronidazole, tăng tỷ lệ C. difficile tái phát và sự xuất hiện của các chủng C. difficile tăng cường.

Vì vậy, cần tuân thủ phác đồ điều trị, sử dụng đúng thời gian và liều lượng, tránh quá liều khiến tình trạng bệnh nặng thêm và gây ra kháng thuốc.

5. Có thể ngăn ngừa sự lây lan của C. difficile?

- Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ bào tử C.difficile.

- Cách ly với những người đã được chẩn đoán mắc C. difficile.

- Giảm thiểu tần suất và thời gian điều trị kháng sinh nguy cơ cao và số lượng kháng sinh được kê đơn, để giảm nguy cơ C. difficile.

- Khi mắc bệnh, chỉ dùng kháng sinh khi thật cần thiết và xác định được nguyên nhân (tiêu chảy có thể do virus mà kháng sinh không có tác dụng). Cần cân nhắc hạn chế dùng các kháng sinh như fluoroquinolone, clindamycin và cephalosporin (đặc biệt là cephalosporin thế hệ 3), penicillin (ampicillin và amoxicillin)...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bệnh đậu mùa khỉ: Hiểu đúng về vaccine và thuốc điều trị.

DS. Hoàng Vân
Ý kiến của bạn