Trần Minh Phương (Nam Định)
Theo như bạn mô tả, có thể bé bị chàm sữa hay còn gọi là lác sữa; là một bệnh chàm thể tạng với đặc điểm là viêm da mạn tính, không lây; thường gặp ở lứa tuổi từ 1 tháng đến 2 tuổi.
Về điều trị chàm sữa, không chỉ bôi thuốc là đủ mà tùy trường hợp sẽ được điều trị cụ thể. Tuy nhiên phác đồ chung bao gồm:
Sử dụng chất giữ ẩm da, có thể dùng 1 trong các loại sau: cetaphil, ceradan, physioge. Thoa chất giữ ẩm trong vòng 3 phút ngay sau tắm, ngày 2-4 lần.
Có thể dùng hydrocortisol 1% hoặc clobetasol butyrate 0.05% thoa tại chỗ ngày 1-2 lần trong giai đoạn chàm cấp. Những loại mỡ chứa corticoid này tuyệt đối không được lạm dụng. Thuốc chỉ dùng khi bị chàm nặng và có chỉ định của bác sĩ.
Nếu trẻ có tổn thương đang bội nhiễm, rỉ dịch nhiều có thể bôi millian 1% hay eosine 2%... thoa ngày 2 lần. Nếu trẻ quấy khóc, ăn ngủ kém do ngứa, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin để điều trị triệu chứng ngứa. Khi có bội nhiễm (vết thương có mủ, bé sốt) thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp.
Việc chẩn đoán chàm sữa là khá dễ dàng mà không cần bất cứ xét nghiệm nào. Có đến 30-40% trẻ bị chàm sữa có liên quan tới dị ứng đạm bò (có thể gặp ở trẻ có bú sữa công thức hay bú mẹ hoàn toàn nhưng mẹ ăn các chế phẩm như: thịt bò, phô mai, sữa... ). Ngoài ra các yếu tố khác như khí hậu nóng/lạnh hoặc khô quá, trong nhà nuôi chó mèo, dùng xà bông tắm, xà phòng giặt... cũng có thể là yếu tố khiến trẻ nổi chàm. Tìm được yếu tố nào làm trẻ lên đợt chàm là rất quan trọng để dự phòng và điều trị. Do đó, tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám tại chuyên khoa nhi hoặc da liễu để được bác sĩ tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp.