Hà Nội

Dùng thuốc gì khi bị tiêu chảy do nhiễm E.coli?

28-11-2018 11:36 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi nghe nói vi khuẩn E.coli gây ra bệnh ở đường tiêu hóa và hiện nay đã kháng thuốc. Vậy nếu không may bị nhiễm vi khuẩn này, cần phải làm gì và hiện nay có thuốc gì để chữa?

Tôi nghe nói vi khuẩn E.coli gây ra bệnh ở đường tiêu hóa và hiện nay đã kháng thuốc. Vậy nếu không may bị nhiễm vi khuẩn này, cần phải làm gì và hiện nay có thuốc gì để chữa?

Nguyễn Thị Hoa (Nghệ An)

E.coli là một loại vi khuẩn gram âm sống chủ yếu trong ruột người. Nó có thể gây các bệnh về đường ruột như tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiểu, viêm màng não và các nhiễm khuẩn khác trong hệ thống tiêu hóa. E.coli có rất nhiều dòng, nhưng dòng kháng kháng sinh là H30-Rx. Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, dòng vi khuẩn E.coli kháng thuốc này có khả năng lan từ nhiễm khuẩn đường tiểu sang máu và gây ra nhiễm khuẩn máu cực kỳ nguy hiểm gọi là nhiễm khuẩn huyết. Siêu vi khuẩn E.coli H30- Rx được cho là kháng hầu hết mọi loại kháng sinh thông dụng vẫn thường được dùng để điều trị các ca nhiễm khuẩn thông thường. Tuy nhiên, một loại kháng sinh đơn giản hiện tại có thể điều trị được loại vi khuẩn này là nitrofurantoin. Tuy nhiên với loại kháng sinh này, bệnh nhân phải uống liều cao hơn và thời gian dài hơn.

Còn điều trị chung cho nhiễm E.coli thông thường gây ra bệnh đường tiêu hóa thường quan tâm đến sự bù nước cho cơ thể. Nếu gặp phải những vấn đề về máu như thiếu máu, bệnh nhân sẽ được truyền dịch, nếu cần thiết sẽ được truyền máu. Nếu bệnh nhân gặp những vấn đề về thận, cần phải có sự thẩm tách máu, tức loại bỏ những chất cặn bã, độc hại trong máu bệnh nhân.

Thông thường, những người bị nhiễm E.coli sẽ hồi phục trong khoảng thời gian 5-10 ngày không cần dùng thuốc. Những thuốc trị tiêu chảy thường không được dùng để điều trị nhiễm E.coli, vì những loại thuốc này sẽ càng làm tăng thời gian cho cơ thể hấp thu những độc chất do E.coli tiết ra và làm tăng những khả năng biến chứng máu, thận cũng như khả năng kháng thuốc của vi khuẩn... Những trường hợp cần thiết phải dùng thuốc, phải được làm các xét nghiệm kỹ càng và có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.

Tuy nhiên, việc phòng bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn là chữa bệnh. Do vậy mọi người nên cẩn thận với các thực phẩm đường phố, trong trường hợp phải ăn đồ ăn bên ngoài, nên ăn đồ được nấu chín.


BS. Trần Công
Ý kiến của bạn