Bùi Thị Huệ (Hà Nam)
Sưng ngón chân cái là triệu chứng rất điển hình của các bệnh nhân gút. Tuy nhiên, bạn cần đi khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Bệnh gút thường gặp ở nam giới, tuổi trung niên, rất ít gặp ở phụ nữ. Cơn gút cấp thường gặp ở khớp bàn - ngón chân cái, cổ chân, khớp gối, hiếm gặp hơn ở các khớp khuỷu, cổ tay. Trong cơn gút cấp, khớp viêm thường sưng nề, nóng, thậm chí đỏ, đau dữ dội liên tục, khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh.
Colchicine là một trong những loại thuốc được lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh gút nhờ đặc tính kháng viêm tác dụng nhanh, vượt trội; thường được chỉ định điều trị chống viêm giảm đau của cơn gút cấp hoặc đợt cấp của bệnh gút mạn và điều trị dự phòng bệnh gút. Tuy vậy, colchicine có khả năng tích lũy trong các mô của cơ thể gây ngộ độc. Các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Ít gặp hơn là viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, rối loạn về máu do điều trị dài ngày, giảm tinh trùng có thể hồi phục được. Trong trường hợp không thể dùng colchicine có thể sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau khác như diclophenac (voltaren), meloxicam (mobic), celecoxib (celebrex), etoricoxib (arcoxia)... Các thuốc giảm đau thông thường paracetamol ít có tác dụng giảm đau do gút cấp.
Để giảm acid uric máu có thể sử dụng các thuốc ức chế tổng hợp acid uric như allopurinol, febuxostad hoặc các thuốc tăng cường bài tiết acid uric qua nước tiểu như benzbromaron, probenecid hoặc sulphinpyrazon. Tất cả các thuốc đều có chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ nhất định nên cần có sự tư vấn của bác sĩ khi dùng. Bạn tuyệt đối không tự ý sử dụng sẽ rất nguy hiểm.
Còn theo như thông tin bạn đưa ra rất khó để khẳng định có phải bạn bị bệnh gút hay không. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp khám và làm một số xét nghiệm kiểm tra để xác định đúng bệnh và điều trị thích hợp.