Nếu tổng thời gian ngủ của một người bị giảm đi so với trước đây thì có nghĩa là người đó đã bị mất ngủ. Mất ngủ được chia ra các loại: Mất ngủ đầu giấc (bệnh nhân đi nằm mãi mới ngủ được), mất ngủ giữa giấc (bệnh nhân vào giấc ngủ được, nhưng nửa đêm thức giấc và phải mất hàng giờ sau mới ngủ lại được) và mất ngủ cuối giấc (bệnh nhân thức dậy sớm và không sao ngủ lại được).
Về mất ngủ cuối giấc, loại này hay gặp ở người trung niên hoặc người già. Bệnh nhân dậy rất sớm (từ lúc 2-3 giờ sáng) và… thức luôn đến sáng vì không sao ngủ lại được. Vì thức dậy rất sớm, bệnh nhân thấy đêm rất dài, buổi sáng hay mệt mỏi, uể oải. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện như hay cáu gắt, hay quên và bốc hỏa (ở phụ nữ) hoặc các cơn nóng bừng mặt hoặc lạnh buốt (ở nam).
Hiện nay một số người mặc dù tuổi còn trẻ đã bị mất ngủ cuối giấc.
Có hai loại bệnh gây ra mất ngủ cuối giấc ở người trung niên, đó là trầm cảm và mất ngủ tiên phát. Nếu bệnh nhân chỉ có triệu chứng mất ngủ, kéo dài trên 3 tháng thì gọi là mất ngủ tiên phát. Còn nếu bệnh nhân còn có thêm các triệu chứng mệt mỏi, uể oải, chán nản, hay cáu, hay quên, hay buồn vô cớ… như đã nói ở trên thì đó là trầm cảm.
Để điều trị mất ngủ cuối giấc của cả hai rối loạn này (mất ngủ tiên phát và trầm cảm), người ta dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc 4 vòng. Nếu dùng thuốc chống trầm cảm mới (nhóm SSRI) thì nên phối hợp với thuốc an thần mới là olanzapine hoặc clozapine liều thấp để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, liều thuốc của mất ngủ mạn tính sẽ thấp hơn hẳn so với liều thuốc chữa trầm cảm (thường chỉ bằng ½ liều của trầm cảm).
Trong các loại thuốc điều trị mất ngủ cuối giấc, các bác sĩ thường sử dụng clomipramine để điều trị mất ngủ cuối giấc cho bệnh nhân. Đây là thuốc chống trầm cảm 3 vòng, nhưng hiệu quả điều trị mất ngủ là vượt trội so với các loại thuốc chống trầm cảm khác. Hơn nữa, thuốc dung nạp tốt và rất ít tác dụng phụ (như khô mồm, đắng miệng, táo bón…). Thời gian điều trị tối thiểu là 18 tháng với mất ngủ tiên phát và 3 năm đối với bệnh trầm cảm.