Dùng thuốc gì điều trị bệnh viêm mũi dị ứng

31-03-2019 07:21 | Thông tin dược học

SKĐS - Viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis)là một bệnh phổ biến, thường gây ra những cơn ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi... đột ngột, nhất là vào những buổi sáng thức dậy.

Tuy không nguy hiểm, nhưng thường tạo ra cảm giác khó chịu cho người mắc bệnh, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.kéo dài lâu ngày, viêm mũi dị ứng sẽ là yếu tố thuận lợi gây ra bệnh viêm xoang, viêm tai giữa...

Viêm mũi dị ứng (VMDU) còn được gọi là bệnh sốt cỏ khô, là một dạng bệnh dị ứng hay gặp ở nước ta, chiếm khoảng 20% dân số (trung bình năm người, có một người mắc bệnh).

Nguyên nhân

VMDU có thể xảy ra theo từng mùa hay quanh năm. Nguyên nhân gây ra bệnh là do cơ địa của người mắc bệnh mẫn cảm với các tác nhân gây dị ứng (dị ứng nguyên).

Khi các dị ứng nguyên (phấn hoa, bụi, lông thú…) xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc mũi, kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể gắn lên bề mặt các dưỡng bào (mast cell) ở niêm mạc mũi.  Kết quả của quá trình này là phóng thích ra các hóa chất trung gian như histamin, serotonin… gây ra các triệu chứng dị ứng hô hấp ở mũi.

Dùng thuốc gì điều trị bệnh viêm mũi dị ứng

Triệu chứng:

VMDU có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường bắt đầu ở lứa tuổi 12 - 15, với các biểu hiện:

- Niêm mạc mũi sung huyết.

- Nghẹt mũi, sổ mũi.

- Ngứa mũi, họng.

- Cơn hắt hơi đột ngột.

- Họng có nhiều dịch nhày.

- Mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt.

- Ù tai…

Thuốc điều trị

Các thuốc điều trị VMDU là những thuốc có tác dụng làm giảm đi các triệu chứng của bệnh do có tác dụng chống dị ứng, chống viêm hay có tác dụng co mạch chống sung huyết…

Các thuốc sử dụng trong điều trị VMDU thường được trình bày ở dạng thuốc viên, thuốc giọt, thuốc xịt… và gồm các nhóm thuốc sau:

- Nhóm thuốc kháng histamin H1 có tác dụng ngăn chặn histamin gắn lên các thụ thể histamin gây ra các triệu chứng dị ứng. Đây là nhóm thuốc chủ yếu trong điều trị VMDU. Nhóm thuốc kháng histamin H1 được chia làm 2 loại:

- Loại gây buồn ngủ (còn được gọi thế hệ cũ)… tác động ức chế lên hệ thần kinh trung ương nên gây buồn ngủ (cần tránh sử dụng khi lái xe, vận hành máy móc..).

- Loại không gây buồn ngủ (còn được gọi thế hệ mới)… do không tác động lên hệ thần kinh trung ương nên không gây buồn ngủ.

Cần lưu ý: không sử dụng các thuốc kháng histamine H1 với người bị tăng nhãn áp hay viêm tiền liệt tuyến.

Dùng thuốc gì điều trị bệnh viêm mũi dị ứng

- Nhóm thuốc chống sung huyết có tác dụng co mạch nên làm giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi…

Các thuốc điều trị VMDU là những thuốc có tác dụng làm giảm đi các triệu chứng của bệnh do có tác dụng chống dị ứng, chống viêm hay có tác dụng co mạch chống sung huyết…

Cần lưu ý: không sử dụng các thuốc chống sung huyết với người mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, viêm tiền liệt tuyến….

- Nhóm thuốc corticosteroidcó tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, ức chế hệ miễn dịch nên được sử dụng trong điều trị VMDU.

Cần lưu ý: không sử dụng các thuốc corticosteroid với người có tiền sử viêm loét dạ dày, cao huyết áp, đái tháo đường…

- Nhóm thuốc đối kháng thụ thể leucotriencó tác dụng ngăn chận sự hoạt động của leucotrien, là một hoạt chất trung gian được phóng thích ra trong quá trình dị ứng

Cần lưu ý: không sử dụng các thuốc này với người bị dị ứng với chất ức chế leukotriene hay những người bị phenylketon niệu

- Nhóm thuốc ổn định dưỡng bào có tác dụng ngăn cản sự phóng thích các chất trung gian hóa học như histamin, serotonin… từ dưỡng bào, nên có tác dụng chống dị ứng.

Cần lưu ý: không dùng các thuốc này cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Bên cạnh việc dùng thuốc, việc phòng ngừa VMDU là hết sức quan trọng. Người bệnh cần tránh các tác nhân gây dị ứng, vệ sinh nhà cửa, chăn màn, chiếu gối, hạn chế vật nuôi trong nhà, đeo khẩu trang khi đi đường, sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi….là những biện pháp mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa và điều trị bệnh!


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn