Dùng thuốc gì để trị á sừng?

21-10-2019 08:19 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi bị á sừng, vùng da ngón tay nứt nẻ, chảy máu đặc biệt khi vào mùa thu đông, thời tiết hanh khô lại càng nặng hơn.

Vậy xin hỏi quý báo, tôi có thể dùng thuốc gì để làm giảm tình trạng trên? Xin cảm ơn!

Ngọc Lan (Hải Phòng)

Bệnh á sừng là một dạng của bệnh viêm da cơ địa dị ứng, là tình trạng của lớp da trên cơ thể chuyển hóa thành lớp sừng không hoàn toàn, tức là các tế bào còn nhân và nguyên sinh. Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thông thường nhất là ở đầu ngón tay, chân và gót chân. Đặc biệt vào mùa thu - đông, độ ẩm không khí xuống thấp, các tế bào da co cụm lại, có thể không ảnh hưởng nhiều đến người bình thường nhưng với người mắc á sừng, đây là cơ hội cho da nứt tróc. Da có khi nứt sâu, nhìn thấy từng rãnh, khô cứng, bong thành từng lớp vảy. Lớp sừng hóa trên da đầu căng cứng gây chảy máu, đau đớn cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị hiện nay là dùng các thuốc bôi bạt sừng như acid salycilic hoặc các chế phẩm có steroid để giảm viêm. Với vùng da bị bệnh, cần kết hợp với thuốc kháng sinh dạng bôi. Nếu bị nhiễm nấm, phải dùng thuốc chống nấm như mỡ nizoral, dẫn xuất imidazol, griseofulvin. Trong trường hợp nặng, có thể phải dùng đến thuốc corticoid, kháng histamin. Ngoài ra, bệnh nhân có thể uống thêm một số loại vitamin A, C, E... Tuy nhiên, bạn cần lưu ý thuốc giúp giảm nhanh một số triệu chứng bệnh nhưng nếu lạm dụng hay sử dụng quá liều quy định, thuốc có khả năng dẫn đến ảnh hưởng tới tim, gan và thận.

Tùy vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể cho dùng thuốc chống viêm (sưng), giảm ngứa, giảm stress, điều trị nhiễm trùng... Vì vậy, bạn cần đến các chuyên khoa da liễu để được thăm khám. Trong quá trình sử dụng, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xuất hiện, phải ngưng sử dụng cũng như đến ngay phòng khám chuyên khoa để được thăm khám.

Bệnh á sừng tuy không quá nguy hiểm nhưng nó lại gây ra cho chúng ta rất nhiều khó chịu và phiền phức trong cuộc sống nếu như mắc phải. Do đó, để ngừa bệnh trở nặng khi thời tiết chuyển mùa, bạn cần phải bảo vệ tốt cho làn da của mình bằng cách uống đầy đủ nước, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, tránh để da bị tổn thương, da phải được dưỡng ẩm đầy đủ. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại chất giữ ẩm được bào chế dưới các dạng khác nhau như thuốc mỡ, kem, dung dịch. Tùy thuộc đặc tính của vùng da cần điều trị mà sử dụng các chất dưỡng ẩm khác nhau. Các loại thuốc bôi giữ ẩm để bôi hàng ngày như: lacticare, lacticare HC, skincare U hoặc cream ure 5 - 10%, vaserlin...

BS. Lê Thị Minh Nguyệt


Ý kiến của bạn