Dùng thuốc gì để không gặp ác mộng?

22-07-2019 06:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ai cũng có lúc ngủ mê, nhưng những cơn ác mộng liên tục đến với bạn trong giấc ngủ, nhưng nếu khi ngủ dậy bạn cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều các sinh hoạt hàng ngày... thì lúc này bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội hoặc tâm thần để được tư vấn và trị liệu.

Điều trị ngủ mê như thế nào?

Trước hết, cần phải xác định các nguyên nhân gây ra ngủ mê: Nhóm nguyên nhân do căng thẳng, stress (nhóm này thường gặp nhất); Nhóm nguyên nhân do lạm dụng các chất tác động tâm thần như rượu, thuốc lá, cà phê, chè, thuốc phiện, thuốc lắc, ma túy đá...; Nhóm nguyên nhân do các bệnh lý ở não bộ cấp tính và mạn tính. Các thuốc điều trị gây rối loạn chức năng sinh lý của não bộ; Nhóm nguyên nhân do các bệnh lý tâm thần như rối loạn lưỡng cực, các rối loạn cảm xúc, rối loạn loạn thần... Với 3 nhóm nguyên nhân sau, người bệnh cần được tới khám và điều trị tại bệnh viện khoa nội hoặc chuyên khoa tâm thần.

Khi ngủ hay gặp ác mộng cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.

Khi ngủ hay gặp ác mộng cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.

Phương pháp điều trị là sử dụng thuốc (hóa dược) và các liệu pháp tâm lý. Có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp cả hai liệu pháp này.

- Về tâm lý: Chủ yếu là giáo dục người bệnh chú ý vệ sinh giấc ngủ tốt như: Tập thức, ngủ đúng giờ; Nên tắt hết đèn trong khi ngủ, phòng ngủ nên thoáng mát, tránh gió lùa; Tập thói quen dậy vào một giờ cố định vào buổi sáng, không phụ thuộc vào thời gian ngủ hôm trước (không ngủ bù). Sau khi thức giấc, nên tập vài động tác thể dục đơn giản thư giãn và làm nóng cơ bắp; Không dùng các chất kích thích vào buổi tối, hạn chế uống nhiều nước ngay trước khi ngủ; Không uống rượu, vì rượu phá vỡ nhịp thức ngủ và tác động xấu đến não bộ; Kiểm soát cân nặng, uống đủ nước và thiết lập chế độ nghỉ ngơi, tập luyện thể thao hợp lý hàng ngày; Tập thư giãn, thiền, yoga.

- Về thuốc: Sử dụng thuốc để điều trị rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ mê, cần được khám và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Các thuốc có thể dùng là thuốc gây ngủ, thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm do rối loạn giấc ngủ thường có liên quan với lo âu và trầm cảm. Không khuyến cáo sử dụng các thuốc an thần kinh để điều trị rối loạn giấc ngủ đơn thuần. Một số thuốc có thể được sử dụng như sau:

Thuốc giải lo âu benzodiazepin: diazepam, bromazepam, lorazepam... Nhóm thuốc này thường bị lạm dụng. Đối với những bệnh nhân có các vấn đề về đường hô hấp, cần phải thận trọng khi dùng nhóm thuốc này. Người già khi sử dụng nhóm này làm tăng nguy cơ lú lẫn và rối loạn định hướng. Ở người già, chuyển hóa thuốc kém nên dễ có tình trạng tích lũy thuốc. Vì vậy nên tránh dùng cho người già, dễ gây biến chứng ngã. Ở phụ nữ có thai, nên hạn chế sử dụng nhóm thuốc này để điều trị rối loạn giấc ngủ. Với giấc ngủ mê, nên sử dụng các benzodizepin có thời gian bán hủy ngắn và thời gian điều trị không kéo dài quá 10 ngày. Việc lạm dụng benzodiazepin có thể gây hội chứng cai. Bệnh nhân rối loạn giấc ngủ trầm trọng hơn khi cai benzodiazepin.

Thuốc chống trầm cảm: imipramil, amitriptylin, mirtazapine... Nhóm thuốc này sử dụng kết hợp với các liệu pháp tâm lý và vệ sinh giấc ngủ cho kết quả điều trị tích cực. Phù hợp với điều trị giấc ngủ mê; Thuốc có khá nhiều tác dụng không mong muốn khó chịu, đặc biệt trên hệ thần kinh trung ương như kích thích, bồn chồn, đau đầu. Các tác dụng trên hệ tiêu hóa như buồn nôn, chán ăn, gầy sút cân. Các biểu hiện khác như khô miệng, táo bón cũng thường gặp; Một số thuốc nhóm chống trầm cảm 3 vòng gây tác động đến hệ tim mạch như làm tăng nhịp tim, kéo dài khoảng QRS và PR, nên cần thận trọng khi dùng với bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch; Các tác dụng không mong muốn nhìn chung thường nhẹ với liều điều trị, có thể tự hết sau 3-5 ngày hoặc khi giảm liều; Biểu hiện hội chứng cai các thuốc chống trầm cảm thường xuất hiện sau điều trị liên tục vài tháng, tuy nhiên, hội chứng này không nguy hiểm và có thể tự hết trong vòng 2 tuần. Các biểu hiện: đau bụng, nôn, buồn nôn, đi ngoài lỏng, mất ngủ, chảy nước mũi, hội chứng giả cúm;

Một số thuốc khác: quietiapine, olanzapin, etifoxin, grandaxin ... Nhóm thuốc này không khuyến cáo sử dụng cho rối loạn giấc ngủ đơn thuần mà thường rối loạn giấc ngủ kết hợp với một bệnh lý trước đó; Liều dùng thường bắt đầu từ liều thấp. Phần lớn bệnh nhân sau khi sử dụng nhóm thuốc này thường có cảm giác ngầy ngật và khó tỉnh táo cả ngày, một số trường hợp có thể xuất hiện rối loạn trương lực cơ cấp tính. Khi sử dụng kéo dài, hầu hết đều gây rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là rối loạn chuyển hóa lipid và glucid;

Các thuốc có nguồn gốc thảo dược như củ bình vôi (rotunda), tâm sen, hạt sen, lá vông, hoa thiên lý, lạc tiên, long nhãn, đan sâm, nữ lang cần được sử dụng theo tư vấn và chỉ định của các bác sĩ Đông y; Ngoài ra, một vài phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng cho thấy hiệu quả trên một số trường hợp như: massage, châm cứu, bấm huyệt, từ trường trị liệu, uống một lượng vừa phải sữa ấm trước khi đi ngủ...


BS. Nguyễn Khắc Dũng
Ý kiến của bạn