Dùng thuốc gì cho dứt ho?

10-12-2018 06:34 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi năm nay 49 tuổi, đợt vừa rồi tôi bị cúm A và viêm phế quản.

Tôi đã dùng hết các thuốc bác sĩ cho, bệnh cũng đã đỡ nhiều, tuy nhiên sau khi uống hết thuốc được 3 tuần rồi mà đến nay tôi vẫn bị có đờm trong họng và thỉnh thoảng vẫn húng hắng ho. Xin hỏi bác sĩ tôi có thể dùng thuốc gì cho khỏi hẳn? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Thị Lụa (Hải Hậu, Nam Định)

Viêm phế quản sau cúm A thường nặng và kéo dài do sức đề kháng giảm, vì vậy thường phải điều trị ít nhất 6 tuần. Bên cạnh đó, bệnh viêm phế quản sau cúm A cũng thường kèm theo viêm mũi họng xuất tiết, thậm chí viêm mũi xoang, vì thế sẽ phải sử dụng thêm các thuốc điều trị mũi xoang - họng và tiếp tục điều trị tình trạng viêm của phế quản.

Trong trường hợp ho kéo dài khi bị viêm phế quản sau cúm A, các bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng tiếp một đợt thuốc chống dị ứng thế hệ mới montelukast mỗi ngày một lần, có tác dụng chữa ho kéo dài, đặc biệt là ho vào buổi tối. Thuốc cần được uống vào buổi tối.

Ngoài ra, có thể dùng thuốc xịt mũi dạng steroid (nếu bệnh nhân có kèm chảy mũi hoặc dấu hiệu khịt khạc): Xịt mũi ngày 2-3 lần, mỗi mũi 1-2 nhát xịt. Thuốc có tác dụng ngăn chặn các triệu chứng như: nghẹt mũi, chảy mũi, hắt hơi, ngứa mũi làm nước sau mũi chảy xuống họng gây viêm họng, viêm thanh quản và viêm phế quản. Nhược điểm của loại thuốc này thường là không có tác dụng ngay, cần khoảng vài ngày đến 1 tuần thuốc mới phát huy tác dụng, do đó người bệnh cần kiên trì khi sử dụng.

Thuốc xịt mũi kháng histamin - kháng thụ thể H1 cũng có thể dùng nhằm cắt các cơn ho kéo dài. Histamin là chất trung gian quan trọng trong phản ứng viêm và dị ứng. Bình thường histamin nằm trong tế bào mast và bạch cầu ái kiềm và không có hoạt tính, nhưng khi có các tác nhân lạ xâm nhập (như virut, protein lạ, vi khuẩn, thậm chí thời tiết thay đổi, phấn hoa, hóa chất...) hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng với các tác nhân này và giải phóng histamin.

Thuốc giảm kích ứng tại họng và phế quản: Fluticasone propionate dùng đường hít với liều khuyến cáo có tác dụng kháng viêm của glucocorticoid trong phổi, giúp cải thiện triệu chứng và giảm triệu chứng ho cơn, thuốc không có tác dụng phụ như khi dùng corticosteroid đường toàn thân. Thuốc được sử dụng để điều trị duy trì ho kích ứng phế quản phổi, tuy nhiên phải có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Vì vậy, tốt nhất chị nên đến tái khám bác sĩ đã điều trị cho chị để có được tư vấn và chỉ định dùng thuốc phù hợp.

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào


Ý kiến của bạn