Dùng thuốc đúng cách - tăng tác dụng của thuốc

03-07-2019 09:06 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Dùng thuốc qua đường tiêu hoá là đường dùng phổ biến trong các cơ sở y tế và đặc biệt là tại cộng đồng như uống thuốc, đặt thuốc dưới lưỡi và đặt thuốc qua đường trực tràng...

Đây là đường hấp thu thuốc tự nhiên và dễ sử dụng. Tuy nhiên, người bệnh cần phải biết cách dùng thuốc đúng để đạt hiệu quả nhất và tránh được những rủi ro...

Thuốc dùng để uống

Uống thuốc có ưu điểm là dễ sử dụng, thuận tiện, có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Hầu hết các thuốc là được dùng qua đường uống. Thuốc uống có thể ở dạng viên, dạng dung dịch, hỗn dịch, dạng bột...

Khi dùng thuốc qua đường uống cần lưu ý tới sự tương tác bất lợi giữa thuốc với thức ăn, đồ uống mà người bệnh dùng hàng ngày vì điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình hấp thu của thuốc. Bên cạnh đó, một số thuốc còn kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa gây viêm loét... Do vậy, khi dùng thuốc dạng uống, cần chú ý tới những điều gây trở ngại này để hạn chế tối đa các tác động xấu.

Khi uống thuốc cần chú ý tới tư thế uống thuốc: Nên uống ở tư thế đứng hoặc ngồi, tránh nằm uống thuốc vì nằm sẽ làm cho thuốc dễ mắc kẹt ở thực quản, gây viêm loét thực quản (nhất là với các thuốc gây kích ứng).

Cần uống thuốc đúng liều, đúng giờ và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất. Theo dõi các bất lợi có thể xảy ra khi dùng. Các  bất lợi này có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc, nhanh từ 5 - 10 phút, chậm có thể vài ngày. Một số biểu hiện thường gặp như: nóng bừng, ngứa, nổi mề đay, phù quincke. Trường hợp nặng có thể khó thở, đau quặn bụng, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...

Nếu dùng dạng viên, phần lớn lượng nước đưa thuốc đều phải nhiều (1 cốc nước to khoảng 150-200ml). Đối với dạng thuốc hỗn dịch, cần lắc kỹ để chai thuốc thành một dung dịch đồng nhất trước khi sử dụng.

Nên uống thuốc ở tư thế đứng hoặc ngồi với nhiều nước.

Nên uống thuốc ở tư thế đứng hoặc ngồi với nhiều nước.

Thuốc ngậm dưới lưỡi

Thuốc đặt dưới lưỡi là loại thuốc tan rã và hòa tan trong miệng sau khi người bệnh đặt dưới lưỡi. Đường đưa thuốc này chỉ dùng với những thuốc không gây loét niêm mạc miệng, dễ dàng hấp thu tại đây và dùng liều nhỏ. Dạng đặt dưới lưỡi thường áp dụng cho nhóm thuốc tim mạch như nifedipin (chống tăng huyết áp), nitroglycerin (chống đau thắt ngực) và hormon...

Miệng có một màng lưới mao mạch khá phong phú, đặc biệt là ở hai bên má và dưới lưỡi, rất thuận tiện cho việc hấp thu thuốc. Thuốc đặt dưới lưỡi cho tác dụng toàn thân. Dược chất sau khi hòa tan trong nước bọt được hấp thu qua màng niêm mạc mỏng ở dưới lưỡi rồi vào thẳng vòng tuần hoàn, cho tác dụng nhanh, lại không qua gan nên tránh được sự phá hủy của men chuyển hóa thuốc ở gan, tránh được tác động phía dưới đường tiêu hoá. Đây cũng là một đường đưa thuốc thuận tiện, dễ thực hiện lại an toàn vì nếu có hiện tượng quá liều thì lập tức có thể loại trừ thuốc ngay bằng cách nhổ ra.

Trước khi đặt thuốc, cần rửa tay sạch với xà phòng. Người bệnh ngồi thẳng lưng (không đặt thuốc dưới lưỡi khi nằm khi người bệnh đang bất tỉnh vì sẽ làm người bệnh vô tình hít thuốc vào), súc miệng trước khi đặt thuốc. Cần lưu ý, không nên ăn uống khi đang dùng thuốc đặt dưới lưỡi vì có thể nuốt phải thuốc làm giảm tác dụng; Không hút thuốc tối thiểu 1 tiếng trước khi dùng thuốc đặt dưới lưỡi (vì thuốc lá làm hẹp mạch máu và màng nhầy trong miệng, giảm khả năng hấp thụ của thuốc); Giữ thuốc đặt dưới lưỡi trong thời gian quy định và không nuốt thuốc.

Thuốc đặt trực tràng

Hệ thống tĩnh mạch trực tràng rất dày, lưu lượng máu tuần hoàn khá lớn nên sự hấp thu thuốc qua đường này rất tốt. Đây là đường đưa thuốc được sử dụng trong những trường hợp không dùng được đường uống như người khó nuốt (sốt cao, trẻ nhỏ), không uống được (tắc ruột, nôn nhiều, hôn mê)... Thuốc được bào chế cho đường dùng này thường là dạng thuốc đạn. Việc sử dụng thuốc đạn giúp tránh được tương tác với bộ máy tiêu hóa, đặc biệt là những dược chất gây kích ứng niêm mạc dạ dày hoặc thuốc bị dịch vị làm biến chất và cũng thích hợp với những thuốc có mùi vị khó chịu, dễ gây buồn nôn...

Không nên dùng thuốc đạn trong trường hợp bị táo bón, bị tiêu chảy nhiều lần hoặc tổn thương trực tràng (viêm hậu môn, viêm trực tràng, chảy máu trực tràng).Lúc này, lớp niêm dịch ở trực tràng không bình thường sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, làm giảm tác dụng điều trị.

Thuốc đạn phải được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 độ C nhằm bảo đảm đủ độ cứng, dễ dàng đưa vào trực tràng. Trước khi sử dụng, nên để viên đạn trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 10 phút để viên đạn có độ cứng phù hợp; Rửa sạch tay với nước và xà phòng; Đặt thuốc nhẹ nhàng vào hậu môn, đầu nhọn vào trước, đầu bằng ở ngoài. Nhét viên đạn vào sâu khoảng 1-2,5cm. Tránh nhét nông vì thuốc có thể rơi ra ngoài, tránh nhét quá sâu vì sẽ làm giảm hấp thu dẫn đến giảm tác dụng của thuốc. Sau khi đặt thuốc, ép mông lại ít nhất 2-3 phút để tránh thuốc đi ngược trở ra.

Khi được bác sĩ kê đơn hay người bệnh tự mua thuốc trị các chứng bệnh thông thường, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết được đường dùng của thuốc và cách dùng thuốc đúng. Bên cạnh đó còn biết được những bất lợi của thuốc để nhận diện chúng (khi xảy ra) nhằm thông báo cho bác sĩ biết hoặc đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, khi cần thiết.


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn