Những bệnh nhân này có đặc điểm chung là đều mắc bệnh tiểu đường và đều dùng một loại thuốc Đông y được đóng trong túi nilong không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng nói là nhiều bệnh nhân ở các tỉnh lân cận cũng nhập viện vì thuốc Đông y không nguồn gốc...
Cơ sở bán thuốc Đông dược không rõ nguồn gốc bị ngành chức năng quận Ô Môn - Cần Thơ kiểm tra và thu giữ. Ảnh: Y.T
BS. Phan Thị Phụng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK TP. Cần Thơ cho biết, rải rác từ tháng 11 đến nay, khoa đã tiếp nhận các nạn nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng do toan chuyển hóa pH: 6,7- 6,8 (bình thường pH 7,35 -7,45).
Qua khai thác tiền sử được biết, những bệnh nhân này đều cùng mua thuốc tại nhà bà Lâm Kim Xuyến, sinh năm 1946, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Người nhà nạn nhân cho biết, chồng chị bị mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Khi phát hiện bệnh, có điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ ở BV. Nhưng sau đó, nghe người chị ruột chồng giới thiệu thuốc hạ đường huyết “gia truyền” nên mới tìm mua về uống, cũng thấy có hiệu quả. Được biết, trước đây chồng bà Xuyến cũng bị tiểu đường, dùng thuốc này và thấy đỡ, sau đó chia sẻ cho những người cùng bị bệnh để dùng, dần dần nhiều người mua và bà đã nhận về bán, giá thuốc là 100.000 đồng. BS. Phụng cho biết, hiện tại các bệnh nhân còn lại đã được xuất viện về nhà.
Đoàn kiểm tra liên ngành tịch thu thuốc của gia đình bà Xuyến. Ảnh: BCT
Trước thông tin hàng chục người nhập viện do suy thận vì dùng thuốc của bà Xuyến, Phòng Y tế quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra nhà bà Xuyến, phát hiện và tịch thu hơn 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc. Đoàn kiểm tra lập biên bản, tịch thu tất cả số thuốc và mời bà Xuyến đến Phòng Y tế làm việc.
Theo nguồn tin riêng của báo Sức khỏe&Đời sống, tại BVĐK TP. Cần Thơ đã tiếp nhận rải rác bệnh nhân ở các tỉnh xung quanh như Vĩnh Long, Đồng Tháp nhập viện với tình trạng tương tự như các bệnh nhân trên và cũng có dùng chung một loại thuốc này, tuy nhiên các bệnh nhân cho biết họ mua thuốc tại địa phương mình đang sinh sống chứ không mua trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Chiều 8/3, BS. Phụng cũng khẳng định: “Thông tin trên mạng nói thuốc đã được kiểm nghiệm thành phần là không chính xác, BVĐK TP. Cần Thơ chưa gửi mẫu kiểm nghiệm này. Qua trao đổi với đồng nghiệp ở các bệnh viện khác như An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp thì đồng nghiệp của chúng tôi cũng gặp các trường hợp tương tự như các bệnh nhân tại BVĐK TP. Cần Thơ”.
Bà Xuyến lên làm việc cùng cơ quan chức năng.
Trước thông tin trên, trao đổi với Sở Y tế Cần Thơ, BS. Bùi Thị Lệ Phi - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra vấn đề sử dụng thuốc trên địa bàn. Theo đó, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm TP. Cần Thơ tiến hành kiểm tra mẫu thuốc của bà Xuyến, đồng thời đề nghị bà Xuyến ngưng ngay hoạt động bán thuốc tại nhà và yêu cầu bà Xuyến cung cấp danh sách những người đã sử dụng thuốc của bà để có những khuyến cáo kịp thời. Các trung tâm y tế quận, huyện của thành phố tăng cường tuyên truyền đến người dân.
Báo SK&ĐS sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, không có loại thuốc nào, dù Tây y hay y học cổ truyền có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn đối với bệnh tiểu đường. Trong Đông y, tiểu đường được gọi là “tiêu khát”, do cơ thể âm luật ô tổn, táo nhiệt nội sinh gây ra. Nguyên tắc điều trị bệnh này là ích khí dưỡng âm, sinh luật thanh nhiệt để dự phòng. Trong Đông y cũng có những bài thuốc và những vị thuốc điều trị tiểu đường.
Tuy nhiên, ngay cả trong bài thuốc Đông y thì cũng phải nói rõ vị thuốc này có thành phần bao nhiêu gram, vị kia bao nhiêu. Vì vậy, đối với các loại thuốc hoàn tán nếu sử dụng cũng phải được công bố thành phần cụ thể, được công bố và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nếu không rất nguy hại. Mặt khác, thuốc có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác từ đó sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả đối với thuốc Tây y, khi điều trị tiểu đường phải kiểm tra xét nghiệm đường thường xuyên, nếu không cũng có thể đối mặt nhiều nguy cơ xấu khi dùng thuốc. Do vậy, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị và được hướng dẫn bởi những người có chuyên môn.