1. Thuốc corticoid - 'con dao hai lưỡi'
TS.Nguyễn Hồng Vũ (Viện nghiên cứu City of Hope – California, Hoa Kỳ) cho biết: Corticoid là thuốc chống viêm có hiệu quả tốt trong điều trị các bệnh liên quan đến rối loạn viêm và rối loạn miễn dịch như: Viêm khớp; ngứa, dị ứng nặng; hen suyễn; các vấn đề về bệnh ngoài da… Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng trong việc chống thải loại khi cấy ghép cơ quan.
Nhưng corticoid cũng có khá nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể. Theo TS.Nguyễn Hồng Vũ, khi đưa corticoid vào cơ thể nó không những tác động liên quan đến điều hòa phản ứng viêm và miễn dịch, mà nó còn tác động lên hàng hoạt các biến dưỡng và điều hòa khác qua cơ chế trực tiếp ảnh hưởng lên bộ gene. Hoặc qua các thụ thể trong hoặc trên màng tế bào để kích hoạt các con đường truyền tín hiệu dẫn đến sự rối loạn cân bằng trong cơ thể. Sự rối loạn này gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, như: Giữ nước, mệt mỏi, đái tháo đường, khó lành vết thương, teo cơ, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, tổn thương gan, loãng xương, chậm lớn…
Do vậy, việc sử dụng các thuốc có chứa corticoid luôn cần được cẩn trọng bởi bác sĩ điều trị. Trước khi sử dụng, bác sĩ cân nhắc thật kỹ giữa "lợi ích" và "nguy cơ" trong từng trường hợp. Việc sử dụng cần phải được hạn chế ở mức tối thiểu về thời gian và liều lượng. Người bệnh sử dụng các thuốc này cũng cần được giải thích kỹ lưỡng các nguy cơ tác hại của thuốc. Cần dừng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ điều trị khi có tác dụng phụ nguy hiểm xảy ra.
Tuy nhiên, do hiệu quả của các thuốc có thành phần corticoid quá nhanh và mạnh nên hiện tượng lạm dụng thuốc vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Việc lạm dụng thuốc này không những gặp ở các trường hợp điều trị các bệnh thông thường hoặc trà trộn các thuốc có thành phần corticoid vào các thuốc cổ truyền (thuốc nam, thuốc bắc...) mà còn gặp ở các mục đích khác như dưới dạng các loại kem thoa làm đẹp để trị nám, tàn nhang, làm trắng da… Nguy hiểm hơn là một số người còn sử dụng thuốc dựa vào phản ứng phụ giữ nước của thuốc để đạt được cân nặng của trẻ nhỏ.
2. Tác hại nguy hiểm do dùng thuốc đông y trộn corticoid
Hiện tượng này rất thường gặp, nhất là ở những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như viêm khớp mạn tính, gout… Do việc dùng thuốc tây y điều trị không dứt điểm và dễ tái phát, nên nhiều người có tâm lý chán nản và tìm đến thuốc đông y với niềm tin là thuốc ít tác dụng phụ.
Lợi dụng tâm lý này, nhiều cơ sở sản xuất, "thầy lang" đã trộn corticoid vào thuốc đông dược (viên hoàn tán, thuốc tễ, cao dán, thuốc sắc sẵn…) để làm tăng tác dụng điều trị, đánh lừa người bệnh về hiệu quả nhanh chóng của thuốc.
Thấy thuốc có hiệu quả nhanh nên bệnh nhân tiếp tục sử dụng. Sau một thời gian, không ít trường hợp thấy hiện tượng béo mặt, teo cơ, rậm lông, tăng huyết áp… Khi đi khám bệnh mới biết bị hội chứng giả Cushing cho dùng thuốc đông y trộn corticoid. Một số trường hợp như bà Lê Thị X. (Bắc Giang) còn bị thêm tình trạng loãng xương, xuất huyết tiêu hóa do sử dụng lâu dài loại thuốc sắc có trộn corticoid điều trị viêm khớp mạn tính.
Vấn đề trộn corticoid vào thuốc đông dược không còn mới mẻ. Mục đích của người làm việc này nhằm tạo ra hiệu quả nhanh chóng cho thuốc đông y, đánh lừa bệnh nhân. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài do việc sử dụng thuốc chứa corticoid không kiểm soát được hàm lượng cũng như thời gian sử dụng là rất nguy hiểm. Thông thường, bệnh nhân chỉ được phát hiện sau khi có các dấu hiệu trầm trọng do tác dụng phụ của corticoid gây ra. Bệnh nhân hoàn toàn không hiểu rằng mình sử dụng thuốc này từ khi nào.
3. Dấu hiệu da nhiễm corticoid
Da nhiễm corticoid chủ yếu thông qua con đường sử dụng kem, thuốc bôi có chứa chất này. Khi sử dụng lâu dài, da sẽ bị bào mòn, giãn mạch mạch máu gây xung huyết, mụn…
Corticoid có tác dụng rất nhanh trong điều trị một số bệnh ngoài da, làm mịn và trắng da. Do đó trong một số mỹ phẩm, kem trộn bôi ngoài da do cơ sở sản xuất không rõ nguồn gốc đã lợi dụng tác dụng này của thuốc vào sản phẩm để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, cũng như corticoid khi trộn vào đông dược, không quản lý được nồng độ cũng như thời gian sử dụng, sẽ gây hại rất lớn cho người sử dụng.
Trường hợp chị Mỹ Hạnh (Hà Nội) bị nám da, trứng cá nhiều… đã mua một loại kem trộn bán trên mạng về bôi. Thời gian đầu sử dụng kem mang lại hiệu quả khá tốt nên chị sử dụng thường xuyên và còn mách cho khá nhiều người sử dùng theo. Tuy nhiên, sau 6 tháng sử dụng, tác dụng của kem không còn nữa, thay vào đó là tình trạng mụn mủ nổi lên nhiều hơn, da mòn mỏng, rạn đỏ…
Về tác dụng phụ của corticoid lên da do bôi trực tiếp cũng có nhiều cấp độ, phụ thuộc vào thời gian sử dụng cũng như nồng độ sử dụng kem bôi chứa thuốc này.
TS.Nguyễn Hồng Vũ cho biết: Corticoid là một trong những loại thuốc được kê đơn phổ biến nhất trong da liễu, điều trị các tình trạng viêm, tăng sinh và ngứa. Ngoài ra, người ta còn lợi dụng chúng để làm trắng da, xóa tàn nhang, mờ vết nám... Tuy nhiên, việc lạm dụng corticoid, không theo đúng liều lượng của bác sĩ chuyên môn hoặc sử dụng các sản phẩm có chứa corticoid mà không biết (các loại kem trộn, các sản phẩm làm đẹp không có thành phần rõ ràng...), có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho da như: Nổi mụn nhiều hơn, da ửng đỏ, da trở nên mỏng dần, sần sùi, gân máu nổi rõ… Do vậy, việc sử dụng corticoid để làm đẹp cần phải cẩn thận và nên tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Để tránh nguy cơ bị ngộ độc corticoid, dù là thuốc uống hay thuốc bôi, người bệnh không tự dùng các thuốc điều trị bệnh hoặc kem làm đẹp không rõ nguồn gốc. Đặc biệt với các bệnh nhân mắc các bệnh như viêm khớp mạn tính, gout… nên kiên trì dùng thuốc và chế độ ăn uống sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát bệnh và hạn chế tác dụng phụ của thuốc…
Với những bệnh nhân đã dùng thuốc không rõ nguồn gốc, khi có dấu hiệu ngộ độc, cần đến bệnh viện để được khám và có phác đồ điều trị.
Việc điều trị hậu quả do corticoid gây ra khá phức tạp và mất thời gian, cần các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. Do vậy bệnh nhân không nên tiếp tục tự điều trị, bởi có thể gặp những biến chứng nguy hiểm.
Mời độc giả xem thêm video:
Viêm gan bí ẩn - gần 700 ca mắc tại 31 quốc gia