Tuy nhiên, việc điều trị phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Phần lớn các trường hợp viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn, một số do nấm men Candida albicans. Nguy cơ viêm đường tiết niệu thường xảy ra ở nữ giới, người cao tuổi, người có hoạt động tình dục nhiều và có nhiều bạn tình, người mắc một số bệnh lý như đái tháo đường, phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận, tiểu không tự chủ... Các trường hợp dùng ống thông tiểu, sử dụng thuốc diệt tinh trùng, đang mang thai và mãn kinh... cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Triệu chứng viêm đường tiết niệu xảy ra tùy thuộc vào vị trí bị viêm nhiễm. Nếu bị viêm ở phần dưới như niệu đạo, bàng quang thường gây triệu chứng đi tiểu lắt nhắt nhiều lần, có cảm giác nóng và đau rát khi đi tiểu, tiểu gắt, tiểu khó, đau phần bụng dưới... Nếu bị viêm ở phần trên như niệu quản, thận thường gây triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau vùng lưng hông, nước tiểu có mùi hôi và đôi khi có máu... Có khoảng 30% các trường hợp viêm niệu quản, thận là do nhiễm khuẩn ngược dòng và có liên quan đến số lượng vi khuẩn bị nhiễm.
Dùng thuốc trị viêm đường tiết niệu, cần tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc để tránh biến chứng.
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm đường tiết niệu
Khi bị viêm đường tiết niệu phải đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Việc điều trị viêm đường tiết niệu thường sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt và kháng sinh.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Loại thuốc này được dùng để làm giảm triệu chứng đau và sốt ở bệnh nhân viêm đường tiết niệu. Thuốc thường được sử dụng là acetaminophen (paracetamol) và các thuốc kháng viêm không steroid như diclophenac, ibuprofen... Lưu ý, việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Tuyệt đối không được tự ý dùng, bởi thuốc có thể gây ra những biến chứng hoặc những tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng không đúng liều và không đúng bệnh. Ngoài ra, loại thuốc này không được sử dụng cho người có tiền sử viêm loét dạ dày.
Thuốc kháng sinh
Việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm đường tiết niệu cần được chỉ định bởi bác sĩ, bởi chỉ dùng kháng sinh khi có nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Có nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau để chữa trị. Trước khi lựa chọn kháng sinh phù hợp để điều trị cần làm kháng sinh đồ, để lựa chọn thuốc có hiệu lực tốt, nhất là trong tình hình vi khuẩn kháng kháng sinh đang có chiều hướng gia tăng hiện nay.
Các loại kháng sinh thường được sử dụng gồm: nitrofurantoin, cephalosporin, sulfonamide, amoxillin, trimethoprim-sulfamethoxazole, doxycycline (không dùng cho trẻ dưới 8 tuổi), quinolone (không nên dùng cho trẻ em)... Có thể dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp hoặc uống. Mỗi loại thuốc kháng sinh đều có tác dụng phụ không mong muốn và có thể tương tác với các loại thuốc khác nên cần phải lưu ý vấn đề này trong dùng thuốc.
Khi sử dụng thuốc kháng sinh đáp ứng hiệu quả, các triệu chứng viêm đường tiết niệu dưới ở niệu đạo, bàng quang có thể biến mất trong vòng vài ngày. Liệu trình điều trị thường phải kéo dài khoảng 10 đến 15 ngày để đề phòng nguy cơ bị viêm thận - bể thận do nhiễm trùng ngược dòng. Trường hợp viêm đường tiết niệu tái đi tái lại trong một năm vài ba lần hoặc nhiều hơn thì có thể điều trị kéo dài đến 6 tháng, có khi phải đến cả 2 năm. Cần lưu ý theo dõi kết quả xét nghiệm nước tiểu trong quá trình điều trị để đánh giá hiệu quả và có hướng xử trí phù hợp.
Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Lưu ý, cần đến khám ngay khi có triệu chứng để được điều trị và xử trí kịp thời, tránh các biến chứng áp-xe thận, hoại tử nhú thận, tắc nghẽn niệu quản, hẹp niệu đạo, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn...
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng bệnh viêm đường tiết niệu cần: giữ gìn vệ sinh cá nhân; tránh dùng chất khử mùi tại vùng kín; nên tắm rửa bằng nước từ vòi hoa sen. Trước khi giao hợp cần vệ sinh sạch vùng sinh dục, nên đi tiểu hết nước tiểu trước và sau khi giao hợp. Giữ thói quen uống nhiều nước, không nên nhịn tiểu.
Đối với trẻ nhỏ, cần rửa sạch vùng hậu môn - sinh dục và thay tã lót mới ngay sau khi đi trẻ đại tiện. Cần tập cho trẻ em gái sau khi đi vệ sinh có thói quen lau sạch vùng hậu môn từ trước ra sau bằng giấy vệ sinh và rửa sạch lại bằng nước để tránh đưa vi khuẩn từ vùng hậu môn vào lỗ niệu đạo. Trường hợp phụ nữ thường bị viêm đường tiết niệu, nên điều chỉnh tư thế giao hợp giảm sự tiếp xúc của dương vật tác động nhiều đến lỗ niệu đạo.
Bên cạnh đó, cần hạn chế dùng các thức uống kích thích như bia, rượu, cà phê... Không nên mặc quần lót bó quá chặt, quần lót nên dùng loại vải có chất liệu sợi tự nhiên, không phải sợi tổng hợp. Việc sử dụng thực phẩm có nhiều vitamin C cũng có khả năng giúp giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu.