Dùng thuốc điều trị và phòng ngừa mụn như thế nào?

20-01-2016 14:02 | Dược
google news

SKĐS - Mụn là bệnh do nang lông - tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn, trong khi miệng nang lông lại bị bít kín do tăng sừng hóa.

Mụn là bệnh do nang lông - tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn, trong khi miệng nang lông lại bị bít kín do tăng sừng hóa. Chất bã nhờn ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn (comedone). Khi nhân mụn thành hình, thường có sự phát triển, tăng sinh một loại vi khuẩn có tên Propionibacterium acnes ở lỗ chân lông gây nên tình trạng viêm đỏ của mụn mủ. Vậy dùng thuốc trị mụn này như thế nào?

Các loại thuốc trị mụn

Thuốc trị mụn có thể chia làm 2 loại:

Thuốc điều trị toàn thân: Gồm các loại thuốc uống cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định vì thường phải dùng kéo dài (trong nhiều tháng), có thể gây tác dụng phụ và chỉ dùng thuốc khi bị mụn loại nặng. Ðó là: kháng sinh loại uống (tetracyclin, minocyclin, clin-damycin, erythromycin), isotretinoin (là dẫn chất vitamin A dạng acid được dùng khi bị mụn trứng cá rất nặng. Lưu ý thuốc có thể gây quái thai ở phụ nữ mang thai) và gây rối loạn nội tiết tố sinh dục nên chỉ dùng cho phụ nữ trưởng thành (dưới 16 tuổi không được dùng) khi có sự tăng tiết bã nhờn quá nhiều và các cách điều trị khác không đem lại kết quả.

Thuốc điều trị tại chỗ: Ðây là loại thuốc bôi, có loại chỉ chứa một hoạt chất với một tác động chuyên biệt nào đó, chẳng hạn như:

- Thuốc bôi chứa lưu huỳnh: Là thuốc cổ điển, có tác dụng giảm nhờn, sát trùng. Hiện nay rất ít được sử dụng vì các chế phẩm chứa lưu huỳnh có mùi hôi gây khó chịu.

- Thuốc bôi chứa benzoyl peroxyd: Thuốc có tác dụng làm tiêu nhân mụn, diệt vi khuẩn P.acnes nhưng lại dễ gây kích ứng da. Cần tránh ra nắng khi bôi thuốc.

- Thuốc bôi chứa retinoid: Retinoid là tên chung để chỉ các dẫn chất của vitamin A dạng acid. Retinoid dùng làm thuốc bôi ngoài da là tretinoin. Tretinoin có tác dụng trị nhân mụn bằng cách làm nhân mụn trồi lên và thoát ra ngoài, đồng thời ngăn ngừa phát sinh nhân mụn mới.

Và lưu ý khi sử dụng

Nên lưu ý trước khi dùng loại thuốc trị mụn bôi ngoài da, ta nên bôi thử trên vùng da mỏng ở mặt trước cẳng tay, trong 6 - 8 giờ, nếu không thấy phản ứng gì đặc biệt mới bôi lên mặt. Riêng đối với thuốc có sự phối hợp erythromycin và tretinoin, do hoạt chất này có tác dụng tốt trong điều trị mụn nhưng lại đòi hỏi sự thận trọng khi sử dụng, vì vậy nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc tư vấn dược sĩ, bác sĩ về những điều chưa rõ để việc dùng thuốc được hiệu quả và an toàn.

Có một số thuốc trị mụn cần được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng, vì vậy, nếu bị mụn trứng cá loại nặng và để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Nếu dùng đúng thuốc trị mụn thì có thể đem lại hiệu quả. Ngược lại, dùng không đúng còn có khi làm cho mụn nổi nhiều hơn. Tuyệt đối không được dùng loại kem tự chế pha trộn với một số loại thuốc tây hoặc dùng thuốc cortibion để trị mụn. Dùng như thế là sai vì cortibion là loại kem chứa thuốc corticoid không phải dùng để trị mụn, nếu dùng trị mụn hàng ngày sẽ rất có hại cho da.

Cơ chế hình thành mụn.

Phòng ngừa mụn như thế nào?

Có thể phòng ngừa hoặc làm giảm nổi mụn bằng cách: Ăn uống điều độ, không lạm dụng những gia vị cay nóng như tiêu, ớt, hành, tỏi hoặc thức uống có tính kích thích như cà phê, trà; Nên ăn nhiều rau quả, trái cây để tăng cường thêm chất bổ dưỡng và tránh táo bón; Tránh lo lắng, phiền muộn. Sự lạc quan, thoải mái trong cuộc sống là yếu tố quan trọng giúp cải thiện nhiều rối loạn, trong đó có chuyện nổi mụn.

Rửa mặt hàng ngày khoảng 4-5 lần với nước thường hoặc nước pha muối (pha 1-2 muỗng cà phê muối ăn vào 1 lít nước).

Lưu ý nếu sử dụng loại xà bông nào không thích hợp với da mặt, làm mụn nổi nhiều hơn thì cần tránh dùng loại đó.

Luôn đội mũ khi ra nắng.

Không nên nặn bóp mụn vì dễ gây nhiễm trùng và có thể để lại sẹo xấu.

Mụn thường gặp ở tuổi trẻ nhưng vẫn có thể kéo dài đến 40-50 tuổi. Khi mụn tiến triển dai dẳng và mức độ viêm nhiễm nặng, có khi phải dùng đến thuốc trị mụn.

PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức


Ý kiến của bạn