Dùng thuốc điều trị giun chỉ cần lưu ý gì?

12-06-2020 10:17 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mẹ tôi 56 tuổi, vừa rồi bị phát ban, sốt. Ban đầu chỉ tưởng bị sốt phát ban thông thường, nhưng khi đi khám, làm các xét nghiệm được chẩn đoán là nhiễm giun chỉ. Bác sĩ kê đơn cho dùng diethylcarbamazin. Xin hỏi khi dùng thuốc có cần lưu ý gì không?

Hoàng Thị Hiền (Hà Nam)

Hiện nay có khoảng hơn 80 triệu người bị nhiễm giun chỉ hệ bạch huyết - một bệnh do 3 loài giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori gây ra. Diethylcarbamazin là thuốc được lựa chọn để điều trị giun chỉ bạch huyết trong nhiều năm qua.

Có hai cơ chế tiêu diệt giun của thuốc, một mặt thuốc làm giảm hoạt động và gây liệt cơ giun do gây ưu cực hóa, làm giun rời khỏi vị trí cư trú rồi bị tung ra ngoài; mặt khác thuốc làm thay đổi màng ngoài của ấu trùng giun chỉ, làm lộ bề mặt phôi để tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống kháng thể của vật chủ tiêu diệt.

Diethylcarbamazin có khả năng tiêu diệt nhanh ấu trùng trong máu, nhưng có tác dụng diệt rất chậm hoặc chỉ gây tổn thương cho giun trưởng thành. Để điều trị khỏi bệnh có thể cần tới liệu trình điều trị 3 tuần, bắt đầu từ liều thấp, tăng dần trong 3 - 4 ngày. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Ở liều điều trị thuốc ít gây tác dụng độc trực tiếp. Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như: Nhức đầu, khó chịu, chán ăn, mệt mỏi; hoặc buồn nôn, nôn, chóng mặt. Mặc dù vậy, các phản ứng miễn dịch tại chỗ do ấu trùng và giun trưởng thành chết rất hay gặp như viêm hạch, áp-xe, loét và toàn thân (sốt, đau đầu, đau cơ, chóng mặt, mệt mỏi, và các phản ứng dị ứng khác). Nếu gặp các phản ứng này, cần báo ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí, tùy vào tình huống.


ThS. Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn