1. Triệu chứng thường gặp của bệnh Parkinson
Các triệu chứng của bệnh Parkinson ở giai đoạn sớm có thể là: Luôn thấy mệt mỏi, đau cơ, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản thường ngày; rối loạn chữ viết; giảm hoạt động một tay khi vận động, kéo lê một chân khi đi lại… Ngoài ra còn có triệu chứng trầm cảm, táo bón, bong vảy da. Cũng có khi triệu chứng sớm là run khi nghỉ không liên tục, nhưng kín đáo nên ít được để ý.
Khi bệnh tiến triển, bệnh có các triệu chứng điển hình:
- Run: Thấy rõ ở ngọn chi, môi, lưỡi. Run thường khu trú ở một bên cơ thể trong nhiều năm đầu. Triệu chứng run có thể tạm mất khi vận động, nhưng sau đó lại tái diễn. Đặc biệt là khi xúc động thì tăng run, khi ngủ không bị run. Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt không có triệu chứng run.
- Cứng cơ: Là một trong các triệu chứng quan trọng nhất. Bệnh nhân có biểu hiện chân tay cứng ở tất cả các nhóm cơ, đi lại khó, sờ nắn các cơ thấy chắc, cứng.
- Giảm vận động: Bệnh nhân mắc Parkinson sẽ có biểu hiện mất các động tác tự nhiên của nét mặt, chân tay, nhất là khi cử động. Mất vẻ biểu lộ tình cảm, nét mặt như người mang mặt nạ, ít khi chớp mắt.
Ngoài ba triệu chứng điển hình trên, có thể gặp các triệu chứng khác như: Thường có loạn cảm đau, đứng ngồi không yên, nóng bức, tăng tiết, phù, tím tái ngọn chi, rối loạn cương, hạ huyết áp tư thế, trầm cảm lo âu… Một số ít có thể có ảo thị, hoang tưởng, trí tuệ còn tốt, có thể gặp sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng…
Đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh Parkinson và cũng chưa có xét nghiệm đặc hiệu để phát hiện ra bệnh. Các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và kinh nghiệm điều trị để chẩn đoán bệnh.
2. Các thuốc điều trị bệnh Parkinson và lưu ý khi sử dụng
Người mắc bệnh Parkinson cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Trong đó, lựa chọn đầu tiên là điều trị bằng nội khoa. Dùng đúng thuốc là một trong những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả và phòng ngừa bệnh trở nặng.
Các thuốc điều trị Parkinson điển hình
- Nhóm ức chế cholin (artan, trihex...): Thuốc có tác dụng chống co cứng tốt hơn chống run. Không dùng cho bệnh nhân loét dạ dày, phụ nữ có thai, cho con bú, hội chứng trầm cảm trong bệnh tâm thần, tăng nhãn áp; u tiền liệt tuyến, mất trương lực cơ ở ruột, bàng quang, bệnh nhân dưới 12 tuổi.
- Nhóm các thuốc kích thích trực tiếp các thụ thể dopamine (sifrol, trivastal): Trong đó sifrol được chỉ định dùng đơn trị liệu hoặc kết hợp với levodopa. Thuốc chống chỉ định với các trường hợp dị ứng hoặc quá mẫn với pramipexol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc và không dùng cho trẻ em do chưa có đầy đủ nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc ở nhóm đối tượng này.
Trivastal có chức năng kích thích thụ thể và đường dẫn truyền dopamine tại não. Phải uống nguyên vẹn viên thuốc sau ăn mới đảm bảo dược lý dược tính của thuốc. Khi uống thuốc có thể gặp tác dụng phụ như cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ và kéo dài giấc ngủ; tăng ham muốn tình dục bất thường; xuất hiện ảo giác, tâm trạng lo âu; tụt huyết áp…
- Các thuốc thay thế dopamin (levodopa): Là thuốc bổ sung dopamin kịp thời và đúng cơ chế bệnh sinh (thuốc thường dùng là madopar, syndopar, sinemet..) Thuốc thay thế dopamine để bổ sung kịp thời lượng dopamine còn thiếu ở người bệnh. Nếu dùng nhóm levodopa thì không nên kết hợp với vitamin B6.
- Thuốc ức chế dị hóa dopamine: Có tác dụng kéo dài thời gian hoạt động của dopamine trong cơ thể bệnh nhân.
Ngoài các nhóm trên, có thể dùng thêm nhóm thuốc bảo vệ và dinh dưỡng thần kinh, nhóm này không đặc trưng cho bệnh Parkinson nhưng cũng có tác dụng theo cơ chế chống gốc tự do và dinh dưỡng thần kinh.
Trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định một trong các phương pháp khác như: Phẫu thuật, kích thích não ở sâu, xạ phẫu...
Điều trị bằng phục hồi chức năng, y học cổ truyền tác dụng hạn chế, chưa có công bố các nghiên cứu.
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị Parkinson
- Các thuốc điều trị bệnh Parkinson đều là thuốc chuyên khoa sâu, chỉ sử dụng sau khi được bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh khám và chỉ định. Bệnh nhân cần sử dụng đúng phác đồ bao gồm: Liều lượng, thời gian dùng thuốc, thời điểm uống thuốc, tái khám theo lịch hẹn. Khi gặp bất thường thì phải báo ngay cho bác sĩ điều trị.
- Dù sử dụng thuốc nhóm nào, thì khởi đầu cũng bằng liều thấp, tăng dần tới liều tác dụng và duy trì liều. Bác sĩ sẽ dựa trên mức độ bệnh để kê đơn thuốc phù hợp. Sau một thời gian, bác sĩ sẽ kiểm tra về khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh để điều chỉnh lượng thuốc hoặc thay thế loại thuốc phù hợp hơn (trong trường hợp cần thiết). Trường hợp muốn thay thế thuốc khác phải thay thế dần dần, không dừng đột ngột.
- Về tác dụng phụ, tùy nhóm thuốc mà có các tác dụng không mong muốn khác nhau. Tuy nhiên các biểu hiện chung hay gặp là: Khô mắt, khô miệng, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, dị ứng, hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, táo bón… Khi sử dụng liều cao có thể gây lú lẫn, ảo giác, kích động.
Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần, ngoài các tác dụng phụ của các thuốc điều trị ở trên còn gặp các tai biến, biến chứng sau:
- Suy mòn, suy kiệt do chức năng đường ruột kém, bệnh nhân run nhiều mất năng lượng.
- Thiếu vitamin D nên dễ gây loãng xương do tình trạng ít vận động.
- Dễ bị ngã do mất thăng bằng, kết hợp với loãng xương vì vậy nguy cơ gãy xương cao, nhất là gãy cổ xương đùi.
- Bội nhiễm phổi hoặc viêm phổi nhất là giai đoạn nặng do bệnh nhân suy mòn kết hợp co cứng cơ nên mất khả năng ho khạc.
Khi chăm sóc bệnh nhân Parkinson cần lưu ý:
- Nên cho bệnh nhân nặng đi lại, nhưng đi chậm, tập bước dài chân, tập thở sâu.
- Tích cực cho bệnh nhân tắm nắng.
- Tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng, các thực phẩm dễ tiêu, giàu vitamin, nhất là vitamin D.
- Có các biện pháp hạn chế nhiễm trùng hô hấp như giữ ấm đường thở, tăng cường sức đề kháng.
- Phòng và tránh ngã để hạn chế nguy cơ gãy xương…
Mời độc giả xem thêm video:
Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cần lưu ý gì?