Thành phần và đặc điểm thuốc đặt âm đạo
Thành phần: thường gồm các chất kháng các tác nhân gây bệnh (kháng sinh, kháng nấm) hay các chất tác động đến môi trường âm đạo (hoóc-môn):
- Chất tác động đến môi trường âm đạo: trong một điều kiện nào đó môi trường âm đạo không giữ được tính axít như thường lệ (pH = 3,5 - 4,5) mà chuyển sang tính kiềm. Vi khuẩn có hại theo cơ hội biến đổi môi trường này mà xâm nhập phát triển, lấn át vi khuẩn có lợi và gây ra bệnh. Đặt hoóc-môn nữ estrogen vào âm đạo. Estrogen tạo ra lượng glucogen dồi dào làm cho vi khuẩn lactobacillus phát triển, giữ cho môi trường âm đạo có tính axít (pH = 3,5 - 4,5). Trong môi trường axít đó, vi khuẩn có lợi sẽ phát triển, vi khuẩn có hại bị khống chế. Một số bệnh nhiễm khuẩn ở âm đạo có khi dùng kháng sinh không khỏi nhưng dùng estrogen theo cơ chế này lại khỏi.
- Các chất kháng trực tiếp tác nhân gây bệnh: có thể là một kháng sinh kháng nấm hay phối hợp các chất này. Một số thí dụ:
Loại chỉ gồm một chất dùng đặc trị một loại vi khuẩn hay nấm nhất định. Ví dụ thuốc trứng metronidazol đặc trị trùng roi, viên đặt chứa clotrimazol đặc trị nấm candida.
Loại phối hợp nhiều chất: ví dụ viên đặt tergynan chứa ternidazol (trị trùng roi), nistatin (trị nấm), neomycin (kháng khuẩn).
Khám và làm xét nghiệm trước khi đặt
Tiêu chuẩn viên đặt âm đạo:
Yêu cầu là hoạt chất trong viên đặt phải tan ra tại chỗ, lý tưởng nhất là phải giữ được môi trường âm đạo ở mức axít như bình thường (pH = 3,5 - 4,5).
Các đạng thuốc đặt gồm: viên trứng, viên nhét có que nhét, có khi là viên nén (như viên tergynan). Cũng có lúc dùng ngay viên nén uống để đặt âm đạo (như viên clorocid). Dù ở dạng bào chế nào thì chế phẩm đó cũng phải đạt các tiêu chuẩn nêu trên thì khi đặt vào âm đạo mới có hiệu quả.
Một số việc cần làm khi dùng thuốc đặt âm đạo
Khám và làm xét nghiêm trước khi đặt:
Viêm âm đạo thường do một tác nhân chính gây ra. Mỗi tác nhân thường có các triệu chứng điển hình có thể nhận biết qua khám, cấy dịch tiết âm đạo, soi tươi xác định sự có mặt của tác nhân đó. Ví dụ: người nhiễm trùng roi có khí hư màu vàng, loãng, có mùi hôi, nếu có bội nhiễm thì ngả sang màu xanh, bị rát bỏng nhất là khi giao hợp, khi lau sạch khí hư thấy âm đạo, cổ tử cung có những chấm đỏ không đều, bôi lên đó dung dịch lugol sẽ thấy bắt màu rất rõ. Tuy nhiên, những dấu hiệu trên chưa thật đặc hiệu. Cần soi tươi, cấy dịch tiết âm đạo để xác định. Mức chính xác của soi tươi cấy dịch tiết âm đạo là 60 - 70%. Các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều có thể làm được xét nghiêm đơn giản này. Khi thật cần thiết mới dùng các kỹ thuật khó như thăm dò AND tìm kháng thể đơn dòng. Mức độ chính xác của kỹ thuật này là 99,8% nhưng không phải cơ sở y tế nào cũng có thể làm được. Thực tế khi làm xong các xét nghiệm đơn giản với độ chính xác 60 - 70% đã có thể dùng thuốc diệt trùng roi metronidazol. Nếu thuốc cho hiệu quả thì coi như đạt yêu cầu.
Khi gặp trường hợp viêm âm đạo không điển hình: trường hợp này khó có triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm phân biệt. Cần dùng biệt được có nhiều thành phần gọi là loại biệt dược “đa năng”. Ví dụ: dùng viên tergynan chứa ternidazol nên có thể diệt trùng roi, chứa nietatin nên có thể chống nấm, chứa neomycin nên có thể chống nhiễm khuẩn. Xưa kia người ta hay dùng loại viên “đa năng” này và coi như dùng một mũi tên mà trúng được nhiều đích. Ngày nay, các thầy thuốc khuyên không nên lạm dụng vì dễ gây ra kháng thuốc.
Không đặt viên kháng sinh khi không nhiễm khuẩn: những trường hợp viêm âm đạo nhưng không do nhiễm khuẩn như: huyết trắng sinh lý hàng tháng, viêm âm đạo do sự kích thích… thì không được đặt viên kháng sinh vì sẽ gây nên mất cân bằng vi sinh và sự kháng thuốc.
Dùng đủ thời gian, không kéo dài: thời gian đặt viên âm đạo thường 7 - 10 ngày, không nên dùng quá 14 ngày. Khi đã dùng đủ ngày mà không đáp ứng thì có thể thay thuốc. Ví dụ: trong trị trùng roi, nếu dùng metronidazol trong 14 ngày mà vẫn không đáp ứng có thể thay bằng một thuốc tác dụng mạnh hơn là ternidazol. Dùng không đủ ngày hay kéo dài dễ gây ra tình trạng kháng thuốc.
Phối hợp thuốc khi cần: ngoài việc dùng thuốc đặt, khi bệnh nặng có thể kết hợp thêm các thuốc uống khác có phổ rộng hơn. Ví dụ với nấm candida lúc đầu dùng thuốc đặt clotrimazol, nếu bệnh nặng có thể phối hợp với thuốc uống fluconazol.
Thủ thuật đặt thuốc vào âm đạo: cần đặt vào buổi tối trước khi đi ngủ. Phải rửa tay sạch kẹp viên thuốc vào hai đầu ngón tay đưa vào âm đạo, dùng ngón tay đẩy nhẹ thuốc vào bên trong. Khi đặt cần ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, ngồi xổm hay đứng gác chân lên một ghế thấp. Nếu chưa quen đặt có thể nhờ nhân viên y tế làm giúp lần đầu cho quen. Khi dùng viên nén để đặt âm đạo cần làm theo trình tự sau: đặt viên nén vào một mảnh gạc sạch đã làm ẩm hay nhúng viên thuốc vào nước sạch trong 20 - 30 giây. Viên thuốc sẽ ẩm mà không bị nhũn hay rã ra. Sau đó mới đặt vào âm đạo theo cách trên. Tránh giao hợp trong thời gian dùng thuốc. Nếu xảy ra dị ứng cần có cách xử lý thích hợp hoặc thay thuốc nếu thấy cần.