Việc theo dõi, dùng thuốc đái tháo đường (ĐTĐ) khi mang thai khó, nhưng thường phải làm tại nhà, thai phụ cần biết, làm đúng, nhằm tránh các tai biến cho cả mẹ và con.
Vì sao phải kiếm soát glucose máu khi mang thai?
Người mang thai bị ĐTĐ chia ra hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: thai phụ bị bệnh ĐTĐ trước lúc mang thai.
Trường hợp thứ hai: thai phụ mới bị ĐTĐ khi có thai gọi là ĐTĐ do thai nghén hay ĐTĐ thai kỳ. Bình thường, insulin được tụy tạng sản xuất ra để điều hòa glucose máu. Khi mang thai, các hormone của nhau thai làm rối loạn việc sản xuất này. Tụy tạng cần phải sản xuất nhiều insulin hơn, có khi gấp 2 lần. Khi nhu cầu tăng cao như thế mà tụy tạng không đảm bảo sản xuất đủ lượng insulin cần thì glucose máu sẽ tăng cao. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ĐTĐ lúc mang thai như: thừa cân, béo phì, có thai khi cao tuối (>35), gia đình hay bản thân có tiền sử bị ĐTĐ. Tuy nhiên, khoảng 30% trường hợp bị ĐTĐ lúc thai nghén không tìm thấy nguy cơ hay có nguy cơ ở mức thấp. Chỉ có chừng 3 - 6% người có thai bị ĐTĐ do thai nghén. Vì vậy, khi mang thai cần kiểm tra có bị ĐTĐ hay không?
Glucose máu cao trong thai kỳ (do thai nghén hay có từ trước) gây các tác hại sau:
Với thai và trẻ
Khi mẹ bị ĐTĐ, máu từ mẹ theo cuống rốn đến thai nhi. Lượng glucose máu của thai cao sẽ đưa đến các tác hại trước mắt cho thai, lâu dài cho trẻ.
Trước mắt: thai to, dị tật (khiếm khuyết ống thần kinh, có đuôi, không có não, nứt đốt sống não, úng thủy, dị tật về tim thận). Nếu trong quá trình mang thai và sinh không kiểm soát tốt glucose máu thì trẻ sinh ra sẽ có một số nguy cơ như: hạ glucose máu. Khi sinh ra nồng độ insulin trong máu con vẫn cao (do máu từ mẹ chuyển vào) nên các mô có nhu cầu bắt giữ glucose cao, trong khi đó, gan của trẻ chưa sản xuất đủ glucose, dẫn đến hạ glucose máu trong 24 - 72 giờ sau sinh. Vì vậy, cần kiểm soát glucose máu cho thai phụ khi chuyển dạ và sau đó cần theo dõi chặt glucose máu trẻ trong 3 ngày đầu sau sinh. Ngoài ra, trẻ có thể bị suy hô hấp, hạ canxi máu, tăng bilirubin máu (gây vàng da), đa hồng cầu, ăn uống kém… Lâu dài: 10 - 20 năm sau sẽ tăng nguy cơ béo phì, tăng nguy cơ bị ĐTĐ týp II.
Với bà mẹ
Thai phụ bị ĐTĐ khi mang thai có nguy cơ bị các tai biến sản khoa cao hơn thai phụ bình thường: tăng huyết áp (khoảng 10%). Tỷ lệ tiền sản giật ở người bị ĐTĐ khi mang thai cao (khoảng 12%) so với người có thai bình thường (chỉ khoảng 8%). Tăng nguy cơ bị sảy thai tự nhiên nếu kiểm soát không tốt glucose máu ở 3 tháng đầu. Lâu dài: chuyển sang ĐTĐ týp II.
Theo dõi, kiểm soát glucose máu khi mang thai để tránh các tác hại nói trên. Glucose máu phải bằng hay thấp hơn 0,9g/L (trước khi ăn) và 1,2g/L (sau khi ăn), tức là dao động trong khoảng 5 - 7,2mmol/L.
Cách theo dõi dùng thuốc khi mang thai
Kiểm tra xác định có bị ĐTĐ khi mang thai không?
Kiểm tra theo test O. Sullivan. Nguyên tắc: cho thai phụ dùng đường glucose, sau đó lấy máu để đánh giá tốc độ hấp thu đường trong máu. Cách làm: không cần phải nhịn đói, uống dung dịch chứa 50g glucose. Một giờ sau, lấy máu xét nghiệm glucose huyết: nếu mức glucose máu là < 1,3g/L là không bị ĐTĐ, nếu glucose máu > 2g/L là bị ĐTĐ do thai nghén. Nếu glucose máu ở khoảng giữa 1,3 - 2g/L, cần làm thêm test dung nạp glucose HGPO. Buổi sáng, kiểm tra glucose máu lúc đói, sau đó cho thai phụ uống dung dịch chứa 100g (hay 75g) glucose. Sau 1 - 2 – 3 giờ lấy máu xét nghiệm glucose. Theo Tiêu chuẩn hội nghị quốc tế lần thứ 4 về ĐTĐ do thai nghén (1998) thì chẩn đoán thai phụ bị ĐTĐ do thai nghén khi ít nhất có hai giá trị lớn hơn hay bằng dưới đây:
- Trường hợp dùng 100g glucose: glucose lúc đói là: 5,3, sau 1 giờ là 10, sau 2 giờ là 8,6, sau 3 giờ là 7,8 (mmol/L).
- Trường hợp dùng 75g gluocose: glucose lúc đói là: 5,3, sau 1 giờ là 10, sau 2 giờ là 8,6 (mmol/L). Dùng thuốc ĐTĐ khi mang thai: Với người trước đó đã bị ĐTĐ:
Nếu trước khi mang thai đã bị ĐTĐ týp II, đã dùng các loại thuốc uống, thì khi mang thai không được tiếp tục dùng các loại thuốc uống này (vì sẽ gây độc, kém hiệu quả) mà thay bằng insulin tiêm. Nếu trước khi mang thai đã bị ĐTĐ týp I, dùng insulin tiêm, thì vẫn tiếp tục dùng loại thuốc này, nhưng cần điều chỉnh liều (thường dùng với liều cao hơn, mỗi ngày tiêm 3 mũi trước bữa ăn). Kèm theo cần luyện tập, dinh dưỡng, thích hợp.
Với người mới bị ĐTĐ do thai nghén:
Nếu phát hiện bị ĐTĐ do thai nghén sớm có thể dùng chế độ luyện tập, ăn để điều chỉnh. 80% trường hợp dùng liệu pháp này có thể làm glucose máu trở lại bình thường. Khi bị ĐTĐ do thai nghén ở mức nhẹ, glucose máu lúc đói < 7mmol/L và 2 giờ sau khi ăn <11mmol/L thì dùng liệu pháp này trong vòng 2 tuần, nếu đáp ứng thì tiếp tục. Nếu sau 2 tuần mà không đáp ứng thì phải dùng liệu pháp này kết hợp với dùng insulin.
Nếu phát hiện bị ĐTĐ do thai nghén nhưng đã ở mức nặng, glucose máu lúc đói đã ≥ 7 mmol/L hoặc sau khi ăn 2 giờ ≥ 11 mmol/L thì cần dùng insulin ngay, cùng với chế độ luyện tập, ăn mà không chờ đợi.
Luyện tập có thể thực hiện khi không có các chống chỉ định về sản khoa, nội khoa và tập ở mức vừa phải (có thể đi bộ sau bữa ăn 20 phút, khi tập nên giữ cho nhịp tim không vượt quá 140 lần/phút).
Chế độ ăn: dùng các loại thức ăn có chỉ số glucose máu thấp (chậm glucose) như: khoai, cơm, mì luộc. Không nên dùng các loại thức ăn quá ngọt hay quá béo. Mặt khác, vẫn cần ăn đủ calo, đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và cho thai phát triển (1.500 - 1.800 Kcal/ngày). Cần hỏi thầy thuốc thật kỹ trước khi dùng liệu pháp này.
Hiện nay, insulin là chỉ định duy nhất trong ĐTĐ do thai nghén. Năm 2005, theo hội ĐTĐ thế giới, mới nhất năm 2006 theo hội ĐTĐ Mỹ, có thể dùng metformin điều trị ĐTĐ do thai nghén cho những người bị buồng trứng đa nang. Năm 2008, theo các nghiên cứu công bố thì có thể dùng metformin thay insulin, chưa nhận thấy gây hại thai. Tuy nhiên, vì nghiên cứu tính an toàn cho thai của metformin chưa đủ sâu rộng nên nay vẫn chưa thể áp dụng các nghiên cứu này vào lâm sàng.
DS.CKII. BÙI VĂN UY