Hà Nội

Dùng thuốc co mạch dài ngày, người bệnh cần nhập viện để phẫu thuật cuốn mũi

03-09-2023 10:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc co mạch giúp giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi do viêm mũi, viêm xoang gây ra. Tuy nhiên, sử dụng loại thuốc này trong thời gian kéo dài có thể gây biến chứng, lệ thuộc thuốc...

1. Phù nề cuốn mũi do dùng thuốc co mạch trị nghẹt mũi

Cách đây không lâu, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 19-8 vừa tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân, 29 tuổi, Hà Nội đi khám trong tình trạng ngạt mũi kéo dài, sử dụng thuốc không còn hiệu quả, đặc biệt tiếng ngáy khi ngủ rất to.

Sau khi thăm khám, người bệnh được chẩn đoán phù nề cuốn mũi do tự ý sử dụng thuốc nhỏ mũi co mạch trong thời gian dài. Ngay sau đó, người bệnh được chỉ định can thiệp phẫu thuật chỉnh co nhỏ cuốn mũi đảm bảo sự thông khí của mũi xoang. 

Khai thác tiền sử bệnh, được biết người bệnh đã tự ý sử dụng thuốc co mạch naphazolin trong một thời gian dài để điều trị chứng nghẹt mũi.

"Tôi thường xuyên bị nghẹt mũi do viêm mũi xoang, đặc biệt là khi làm việc và sinh hoạt trong môi trường điều hòa. Tình trạng nghẹt mũi nặng khiến tôi mất ngủ, mệt mỏi, do đó tôi đã tự mua thuốc về sử dụng. Trong một thời gian dài, tôi nhỏ thuốc nhiều lần trong ngày, nhất là lúc trước khi đi ngủ", người bệnh cho biết.

Trực tiếp điều trị cho ca bệnh này, ThS. BSCKII Nguyễn Đình Trường, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 19-8 cho biết, thuốc naphazolin là thuốc co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết khi nhỏ thuốc vào niêm mạc. Nhờ đó, thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi do viêm mũi xoang gây ra. Tuy nhiên, thuốc co mạnh không được khuyến cáo sử dụng dài ngày bởi nguy cơ gây lệ thuộc thuốc, dẫn đến biến chứng khó lường như trường hợp nói trên.

ThS. BSCKII Nguyễn Đình Trường, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 19-8 khuyến cáo người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc co mạch mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

2. Tác dụng của thuốc co mạch

Các loại thuốc co mạch như naphazolin, xylometazolin, ephedrin... được dùng để nhỏ hoặc xịt mũi (đối với dạng xịt) để giảm triệu chứng và giảm sung huyết trong các trường hợp viêm mũi, viêm xoang, cảm lạnh, cảm mạo hoặc dị ứng.

Khi nhỏ thuốc vào niêm mạc mũi, thuốc làm co tại chỗ các tiểu động mạch đã bị giãn, giảm lưu lượng máu qua mũi và giảm sung huyết. Mạch máu cung cấp oxy đến các mô. Nếu dùng nhiều lần naphazolin hoặc các thuốc gây co mạch khác sẽ dễ xảy ra tình trạng giảm oxy ở tổ chức trong cuốn mũi, dẫn đến phù nề. Chính hiện tượng phù nề trong hốc mũi sẽ gây ra nghẹt mũi, khiến người bệnh có xu hướng nhỏ thuốc nhiều hơn. Cứ như vậy tạo ra một vòng luẩn quẩn - ThS. BSCKII Nguyễn Đình Trường giải thích.

Tự ý xịt thuốc co mạch trong thời gian dài, người bệnh cần nhập viện để phẫu thuật cuốn mũi - Ảnh 1.

Thuốc co mạch cần sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ, tránh lệ thuộc thuốc.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc co mạch

Do thuốc co mạch giúp giảm nhanh triệu chứng ngạt mũi nên người bệnh dễ lạm dụng. Thậm chí nhiều trường hợp dùng không đúng cách đã bị lệ thuộc thuốc, viêm mũi do thuốc… Điều này khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Thuốc có tác dụng tại chỗ, nhưng dùng nhiều có thể được hấp thu qua niêm mạc mũi gây tác dụng toàn thân. Việc sử dụng thuốc nhỏ mũi naphazolin hoặc các thuốc co mạch khác nhiều lần trong ngày hoặc dùng liên tục trên một tuần rất có thể gây ra tình trạng quen thuốc. Khi đó, không những thuốc không còn tác dụng chống sung huyết mà có thể còn dẫn đến "sung huyết hồi phát" gây nghẹt mũi nghiêm trọng hơn.

Khi dùng thuốc kéo dài, hiệu lực của thuốc giảm dần, thậm chí không còn tác dụng. Ngoài ra, việc dùng thuốc nhỏ mũi lâu ngày còn có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm teo mũi, thủng vách ngăn...

Để dùng thuốc co mạch an toàn, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Ngoài ra, cần cảnh giác với các tác dụng phụ của thuốc như chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, run rẩy, lơ mơ, thậm chí co giật, thở chậm, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, tuyệt đối không được lạm dụng thuốc.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Bị sốt xuất huyết có nên uống nhiều nước dừa?|SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn