Dùng thuốc chữa tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm

20-12-2015 07:18 | Dược
google news

SKĐS - Khi bị ngộ độc thực phẩm người bệnh thường có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt mỏi…

Khi bị ngộ độc thực phẩm người bệnh thường có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt mỏi… Các biến chứng nghiêm trọng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là cơ thể mất nước và các chất điện giải có thể dẫn tới tử vong. Vậy việc dùng thuốc trong trường hợp này như thế nào?

Bù nước và chất điện giải

Do tiêu chảy cấp gây mất nước và chất điện giải, cho nên trong điều trị (đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi), vấn đề hàng đầu là bù nước và chất điện giải.

Thuốc dùng trong trường hợp này rẻ, sẵn có nhất trong các hiệu thuốc là oresol (ORS). Đây là thuốc phòng và điều trị mất điện giải và nước trong tiêu chảy cấp từ nhẹ đến vừa. Mỗi gói thuốc ORS khi dùng được hòa tan trong một lít nước đun sôi để nguội hoặc gói nhỏ (5g) pha với 200ml nước (cần phải pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn sử dụng, tránh pha không đúng tỷ lệ sẽ gây nên dung dịch loãng hoặc đặc quá đều gây hại cho sức khỏe).

Pha dung dịch bù nước điện giải cần đúng theo hướng dẫn.

Để bù nước, nếu mất nước nhẹ, bắt đầu cho uống 50 ml/ kg, trong 4 - 6 giờ. Mất nước vừa phải, bắt đầu cho uống 100 ml/ kg, trong vòng 4 - 6 giờ. Sau đó điều chỉnh liều lượng và thời gian dùng thuốc tùy theo mức độ khát và đáp ứng với điều trị. Để duy trì nước, nếu tiêu chảy liên tục nhẹ uống 100 - 200 ml/kg/24 giờ, cho đến khi hết tiêu chảy. Nếu tiêu chảy nặng hơn uống 15 ml/kg, mỗi giờ, cho đến khi hết tiêu chảy. Người lớn tối đa uống 1000 ml/giờ. Với trẻ nhỏ cần cho uống từng ít một, uống chậm và nhiều lần. Không nên cho uống một lúc quá nhiều, sẽ bị nôn. Cần tiếp tục cho trẻ ăn uống bình thường, càng sớm càng tốt khi đã bù lại dịch thiếu và khi thèm ăn trở lại, đặc biệt trẻ bú mẹ cần phải được bú giữa các lần uống dung dịch oresol. Cho người bệnh ăn kèm các thức ăn mềm, như cháo gạo, chuối, đậu, khoai tây, hoặc các thức ăn nhiều bột nhưng không có lactose. Tuy nhiên, đối với người lớn, nếu bị mất nước nhiều do tiêu chảy đã lâu, cần cho uống ngay một lượng nhiều, sau đó uống dần dần. Uống hết lượng thuốc của một gói, có thể pha tiếp gói khác.

Trong nhiều trường hợp tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm chỉ cần bù nước và chất điện giải là đã cầm được đi lỏng và có thể khỏi.

Cần lưu ý, không dùng ORS trong các trường hợp vô niệu hoặc giảm niệu (vì cần có chức năng thận bình thường để đào thải bất kỳ lượng nước tiểu hoặc điện giải thừa nào; người bệnh vô niệu hoặc giảm niệu kéo dài cần phải truyền nước và điện giải một cách chính xác; tuy vậy giảm niệu nhất thời là một nét đặc trưng của mất nước do tiêu chảy, nên khi đó không chống chỉ định liệu pháp bù nước đường uống); Mất nước nặng kèm triệu chứng sốc (bù nước bằng đường uống sẽ quá chậm, cần phải điều trị nhanh chóng bằng đường truyền tĩnh mạch); Tiêu chảy nặng (khi tiêu chảy vượt quá 30 ml/kg thể trọng mỗi giờ, người bệnh có thể không uống được đủ nước để bù lượng nước bị mất liên tục).

Trong trường hợp mất nước nặng bệnh nhân cần được cấp cứu truyền dịch và việc truyền dịch phải được thực hiện tại cơ sở y tế do bác sĩ trực tiếp điều trị).

Dùng thuốc cầm tiêu chảy khi nào?

Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chất độc, dùng ngay thuốc cầm tiêu chảy là không có lợi, vì xét dưới góc độ phòng vệ thì đây là một phản ứng có lợi. Cơ thể cần tiêu chảy để tống chất độc ra khỏi cơ thể. Vì vậy, không nên dùng thuốc chống tiêu chảy ngay từ đầu. Tuy nhiên, tác dụng của phản ứng bảo vệ này chỉ có lợi ở thời điểm đầu. Khi tiêu chảy không khu trú, kéo dài cần dùng đến thuốc cầm tiêu chảy. Có thể dùng các thuốc sau:

- Thuốc có tác dụng làm giảm hay liệt nhu động ruột:

Loperamid là một thuốc điển hình có tác dụng cầm tiêu chảy trên lâm sàng, có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân và giảm số lần đi ngoài.

Không sử dụng thuốc cho người bị hội chứng lỵ, bụng trướng, mẫn cảm với loperamid, hoặc khi cần tránh ức chế nhu động ruột, có tổn thương gan, viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng màng giả (có thể gây đại tràng to nhiễm độc). Loperamid sử dụng trong điều trị ngộ độc thực phẩm chỉ là một thuốc điều trị triệu chứng mà không làm hết căn nguyên. Ngừng thuốc nếu không thấy có kết quả trong vòng 48 giờ. Cần theo dõi nhu động ruột và lượng phân, nhiệt độ cơ thể và theo dõi trướng bụng.

Cần lưu ý, hầu hết các tác dụng phụ thường gặp là phản ứng ở đường tiêu hóa khi dùng thuốc này. Thường gặp như táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn, trướng bụng, khô miệng. Toàn thân người bệnh thấy mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu (nên đối với những người có rối loạn tiền đình cần dùng hết sức thận trọng). Người bệnh dùng thuốc này có thể bị tắc ruột do liệt (nguyên nhân là do thuốc làm nhu động ruột giảm, thức ăn chậm lưu thông. Khi quá mức thì chướng bụng có thể gia tăng làm tắc ruột do liệt ruột. Mặc dù tác hại này ít gặp nhưng cũng cần thận trọng khi dùng với đối tượng là trẻ em và người già). Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như ngủ gật, trầm cảm, hôn mê, thường hay gặp với trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Vì vậy loperamid không được dùng trong điều trị tiêu chảy cho trẻ nhỏ.

Thuốc là chất hấp phụ:

Chất hấp phụ là chất trơ về mặt hóa học và có cấu trúc đặc biệt có khả năng hút giữ vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, siêu vi, khí sinh ra trong ống tiêu hóa là những thứ làm kích thích niêm mạc và sau đó được thải ra ngoài kéo theo các chất mà nó hút giữ. Chất hấp phụ không hòa tan và không hấp thụ vào cơ thể nên dùng tương đối an toàn… nên chất hấp phụ thích hợp trong điều trị tiêu chảy có kèm trướng bụng và do đường tiêu hóa bị nhiễm độc (ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn). Chất hấp phụ được dùng trị tiêu chảy phổ biến là hợp chất vô cơ như smectite, attapulgite, đặc biệt là than hoạt.

Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy ngay từ đầu.

Than hoạt là chất hấp phụ được dùng lâu đời, được chế hóa đặc biệt để có độ hấp phụ rất cao, sẽ giúp hấp thụ vi khuẩn, độc tố để loại ra ngoài khi bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Đặc biệt, than hoạt giúp làm đặc phân, cải thiện tình trạng tiêu lỏng ra nước. Để trị tiêu chảy, than hoạt thường được phối hợp với dược chất khác, thí dụ như thuốc sát khuẩn đường ruột để điều trị tiêu chảy cấp do nhiễm độc, nhiễm khuẩn thức ăn. Đây là loại ngộ độc thực phẩm hay xảy ra ở nước ta.

Attapulgite cũng là một chất hấp phụ chống tiêu chảy. Attapulgit hoạt hóa được dùng làm chất hấp phụ trong tiêu chảy, có tác dụng bao phủ mạnh, bảo vệ niêm mạc ruột bằng cách trải thành một màng đồng đều trên khắp bề mặt niêm mạc. Attapulgit được giả định là hấp phụ nhiều vi khuẩn, độc tố và làm giảm mất nước. Mặc dù attapulgit có thể làm thay đổi độ đặc và vẻ ngoài của phân, nhưng không có bằng chứng xác thực là thuốc này ngăn chặn được sự mất nước và điện giải trong tiêu chảy cấp. Không dùng thuốc này trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em. Không dùng thuốc quá hai ngày, hoặc khi tiêu chảy kèm sốt, tiêu chảy phân có máu và chất nhầy, sốt cao. Nếu sau khi sử dụng quá 2 ngày vẫn tiêu chảy, cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi trừ trường hợp có sự theo dõi của bác sĩ, vì nguy cơ mất nước do tiêu chảy.

Khi sử dụng thuốc là chất hấp phụ cần lưu ý, chỉ sử dụng thuốc này trước hoặc sau khi uống các loại thuốc điều trị khác ít nhất 2 giờ, bởi vì chất hấp phụ không được hấp thu sẽ cản trở sự hấp thu của thuốc uống cùng với nó.

Chỉ dùng các loại thuốc đặc hiệu khi đã xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy. Ví dụ, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn (thường gặp như Salmonella hay E.Coli gây ra) sẽ dùng kháng sinh, nhiễm ký sinh trùng dùng thuốc trị ký sinh trùng (như bị lỵ amip dùng metronidazol.)… Muốn sử dụng các thuốc đặc hiệu này phải có sự chẩn đoán của bác sĩ và việc dùng thuốc phải tuân theo sự chỉ định, chứ người bệnh không thể tự ý hay tùy tiện dùng.

DS. Hoàng Thủy


Ý kiến của bạn