Dùng thuốc chưa qua thử nghiệm cho bệnh nhân Ebola có vi phạm đạo đức không?

08-09-2014 07:14 | Y học 360
google news

SKĐS - WHO đã quyết định cho phép sử dụng loại thuốc ZMapp chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên người để điều trị cho các bệnh nhân Ebola.

Hỏi: Dịch Ebola đang bùng phát ở châu Phi và có thể lây lan khắp thế giới. Việc dùng thuốc chưa qua thử nghiệm cho các bệnh nhân này có vi phạm đạo đức không? Cách thức mà bệnh lây truyền trong cộng đồng và người có nguy cơ cao?

(Vũ Đức Thuận - Đắk Nông)

Trả lời: Bệnh Ebola(Ebola Virus Disease - EVD) là bệnh trên người bị gây ra bởi virút Ebola.

EVD là một bệnh sốt xuất huyết và lâm sàng là gần như không thể phân biệt được virút bệnh Marburg. Tên này lấy từ tên con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi mà virút này đã bộc phát lớn lần đầu tiên vào năm 1975. Dịch bệnh bùng phát bắt đầu từ Guinea rồi lan rộng sang các quốc gia Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Những số liệu mới được công bố vào thời điểm các cơ quan y tế bắt đầu sử dụng vắc-xin và phương pháp thử nghiệm để điều trị cho người nhiễm virút Ebola. WHO đã quyết định cho phép sử dụng loại thuốc ZMapp chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên người để điều trị cho các bệnh nhân Ebola. Tuyên bố của WHO đưa ra sau cuộc họp của các chuyên gia về đạo đức y tế tại Geneva (Thụy Sĩ). Chuyên gia của WHO nhất trí cho rằng, trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay, việc đề xuất các biện pháp điều trị chưa được kiểm tra, chưa được xác nhận về tính hiệu quả và tác động phụ của nó như một khả năng điều trị hoặc phòng ngừa bệnh là không vi phạm đạo đức. Virút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm.

Tại châu Phi, virút lây truyền khi người bình thường tiếp xúc với các động vật như: tinh tinh, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím bệnh, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới... Virút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể: phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết thương trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virút: quần áo, ga giường nhiễm khuẩn hay kim tiêm nhiễm virút. Đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm trong dịch bệnh do virút Ebola: người sống trong rừng có tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết: tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương, nhím, dơi ăn quả…; những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh; người tham gia đám tang có tiếp xúc trực tiếp với thi thể bệnh nhân; nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

BS.CKII. Đặng Minh Trí


Ý kiến của bạn