Bên cạnh nguyên nhân do suy giảm nội tiết tố thì trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân khá phổ biến gây ra chứng mất ngủ ở phụ nữ lứa tuổi này (thường sau 40 tuổi). Khi bị mất ngủ như vậy người bệnh nên dùng thuốc như thế nào?
Các biểu hiện của bệnh
Phụ nữ tiền mãn kinh có các triệu chứng mất ngủ do bệnh trầm cảm gây ra thì người bệnh thường có các biểu hiện sau:
Mất ngủ trầm trọng, thường là mất ngủ cuối giấc. Bệnh nhân tuy khó vào giấc ngủ nhưng vẫn ngủ được, tuy nhiên thời gian từ lúc đi nằm đến lúc ngủ rất dài, có thể đến 2-3 giờ. Giấc ngủ của họ không sâu, chập chờn, dễ tỉnh giấc và hay có ác mộng. Khi đã thức dậy, họ rất khó ngủ lại! Họ thường dậy rất sớm (khoảng 1-2 giờ sáng) và thức luôn đến sáng. Do mất ngủ nên họ thấy đêm rất dài! Họ bực tức khi thấy chồng, con ngủ được còn họ thì không.
Luôn cảm thấy mệt mỏi, mất hết năng lượng, giảm sức sống, giảm đáng kể ham muốn tình dục.
Họ luôn cảm thấy buồn vô cớ, các sở thích của họ giảm rất nhiều. Họ không còn quan tâm đến các công việc, kể cả mua sắm, tán gẫu...
Bệnh nhân hay quên, khó tập trung chú ý vào được một việc gì, khả năng làm việc giảm sút đáng kể.
Có các cơn bốc hỏa (cơn nóng bừng, nóng rát xuất hiện ở nửa người trên), kéo dài vài chục phút đến vài giờ. Có thể có các cơn lạnh buốt xen kẽ các cơn bốc hỏa.
Có các triệu chứng cơ thể như đau đầu, chóng mặt, đầy bụng, táo lỏng thất thường...
Mất ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh thường phối hợp với các bệnh cơ thể khác như tăng huyết áp, đái tháo đường... khiến bệnh cảnh lâm sàng trở nên phức tạp hơn. Trong thực tế, các bệnh cơ thể này khiến tình trạng trầm cảm của họ nặng nề hơn và ngược lại, họ xao nhãng việc điều trị các bệnh cơ thể đó hơn.
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thường gặp triệu chứng mất ngủ.
Và thuốc điều trị
Trước khi tiến hành điều trị mất ngủ do trầm cảm cho phụ nữ tiền mãn kinh cần kiểm tra các thông số như các xét nghiệm định lượng hormon ở bệnh nhân hoàn toàn trong giới hạn bình thường, các liệu pháp bổ sung hormon áp dụng cho bệnh nhân không có kết quả... Khi đó bệnh nhân cần được điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm SSRI và thuốc bình thần để cải thiện bệnh, trong đó có triệu chứng mất ngủ.
Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh thường dung nạp với thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần kém, do đó liều thuốc khởi đầu phải thấp, thời gian điều trị tấn công kéo dài hơn so với các bệnh nhân khác. Tuy nhiên, đáp ứng điều trị thường rất tốt. Khi mới dùng thuốc, họ cảm thấy mệt mỏi, thường than phiền khô mồm, đắng miệng, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn... và muốn ngừng điều trị. Thực ra, các tác dụng phụ này chỉ kéo dài chừng 1 tuần rồi tự hết. Sau đó, các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm rất nhanh. Vì vậy khi mới dùng thuốc, thầy thuốc cần theo dõi sát bệnh nhân và tư vấn cho bệnh nhân yên tâm dùng thuốc, tránh bỏ dở thuốc điều trị khiến việc điều trị không đạt được kết quả như mong muốn.
Các thuốc hay được dùng là sertraline, paroxetine, escitalopram.
Sertralin là thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI. Đây là thuốc chống trầm cảm có hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, không độc với tim, gan, thận, hệ tạo máu... nên dễ sử dụng. Tác dụng phụ chủ yếu là đầy bụng, mệt mỏi trong 1 tuần đầu dùng thuốc. Có thể khắc phục tác dụng phụ một cách đơn giản bằng cách khởi đầu liều thấp, uống thuốc sau bữa ăn, uống sữa tươi. Paroxetinecũng là thuốc chống trầm cảm mới, dễ dung nạp, ít tác dụng phụ.
Các thuốc này sẽ làm giảm nhanh các triệu chứng bốc hỏa, đau đầu, chóng mặt. Tuy nhiên, triệu chứng mất ngủ được cải thiện chậm hơn nhiều. Vì vậy, trong thực tế, các bác sĩ thường kê đơn kết hợp thuốc chống trầm cảm với benzodiazepine để kết quả có được nhanh hơn. Cần lưu ý là chỉ cần dùng liều nhỏ thuốc bình thần (bromazepam) trong thời gian 4 tuần. Dùng liều nhỏ thuốc bình thần thì sẽ không lo nguy cơ phụ thuộc thuốc ở bệnh nhân.
Như vậy, tháng đầu tiên, bệnh nhân nên được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm (sertraline hoặc paroxetine) kết hợp với liều nhỏ thuốc bình thần (bromazepam). Từ tháng thứ hai trở đi, bệnh nhân chỉ cần uống duy nhất thuốc chống trầm cảm là đủ.
Về thời gian điều trị, bệnh nhân phải uống thuốc liên tục trong 3 năm, các thuốc này hầu như không gây độc hại gì cho gan, thận, cơ tim, tủy xương... và cũng rất ít tác dụng phụ.